Huyện Thạch Thất: Khai thác thế mạnh sau dồn điền đổi thửa

Xã hội - Ngày đăng : 06:44, 14/02/2014

(HNM) - Triển khai Chương trình 02 của Thành ủy, với sự chỉ đạo quyết liệt, huyện Thạch Thất đã đạt nhiều kết quả.



Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy trên địa bàn huyện, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cho rằng, có được kết quả đó là bởi cả hệ thống chính trị của huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, làm dấy lên phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) sâu rộng trong nhân dân.

Một trang trại trồng cây ăn quả tại xã Hương Ngải.


Người dân đã chủ động tham gia

Đến xã Tiến Xuân, nơi đồng bào dân tộc Mường chiếm 80% dân số toàn xã, mới thấy rõ đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực những năm gần đây. Bà Đinh Thị Tình, dân tộc Mường, thôn Miếu cho biết, trước khi về Hà Nội, hạ tầng trong xã rất kém, trường mầm non cũng thiếu. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, gia đình bà đã hiến 770m2 đất cho địa phương xây dựng trường mầm non. Từ đó, các em nhỏ trong thôn có nơi học tập khang trang, không phải đi học xa. Anh Đinh Văn Thành, một người dân trong xã, cho biết thêm, đường trong thôn trước kia toàn là đường đất, cứ mưa là lầy lội. Thấy vậy, gia đình đã ủng hộ địa phương vật liệu để làm 3km giao thông, các hộ dân trong xóm cũng chung tay góp công nên đến nay tuyến đường đã hoàn thành, người dân rất phấn khởi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên, triển khai Chương trình 02, huyện Thạch Thất đã khai thác triệt để các nguồn thu trên địa bàn huyện, vận động doanh nghiệp và người dân ủng hộ tiền của, ngày công để xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện đã huy động được trên 3.600 tỷ đồng, trong đó, ngoài các nguồn vốn ngân sách, doanh nghiệp và nhân dân đã đóng góp được gần 1.600 tỷ đồng (bao gồm cả hơn 181.000 ngày công lao động). Ngoài nguồn vốn trên, nhân dân còn ủng hộ hơn 17.000m2 đất, trong đó có hơn 7.500m2 đất thổ cư. "Tính ra, toàn huyện đã có 32 tập thể và cá nhân ủng hộ đạt mức từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng cho phong trào xây dựng NTM như: Công ty Văn Minh ủng hộ 1 tỷ đồng; Công ty Phú Xuân ủng hộ trên 1 tỷ đồng; các cá nhân như: gia đình bà Đinh Thị Tình, xã Tiến Xuân hiến 770m2 đất nông nghiệp; ông Nguyễn Văn Quý, thôn 5 xã Tân Xã hiến 300m2 đất thổ cư; ông Nguyễn Văn Tiến, xã Đồng Trúc hiến 200m2 đất thổ cư…

Lựa chọn khâu đột phá

Là huyện ngoại thành nhưng nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế của huyện Thạch Thất (gần 14%), song lại có tác động rất lớn đối với nhiều hộ nông dân. Vì vậy, việc lập quy hoạch và tổ chức thực hiện các vùng chuyên sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân. Trên cơ sở các xã đã, đang hoàn thành công tác dồn ruộng từ ô thửa nhỏ, sang ô thửa lớn, vụ xuân 2014, huyện Thạch Thất triển khai thử nghiệm mô hình mạ khay, cấy máy cho 55ha với kinh phí hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng. Để tập trung cho mô hình, mỗi xã được cấp lượng mạ đủ cấy từ 2 đến 3ha và được đầu tư máy cấy, máy gieo mạ tự động, khay gieo mạ... Đây là kỹ thuật mới vừa giảm chi phí so với gieo mạ theo tập quán cũ vừa chủ động được ở mọi điều kiện thời tiết, thời vụ, cơ cấu giống, lại có thể sản xuất mạ ở các điều kiện không cần đến ruộng và dễ bảo quản, chăm sóc, vận chuyển từ nơi sản xuất đến ruộng cấy... Ngoài cây lúa, huyện cũng chỉ đạo tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại như chăn nuôi lợn rừng ở Đông Xuân, Tiến Xuân; mô hình rau an toàn tại các xã Hạ Bằng, Hương Ngải, Canh Nậu; mô hình hoa ly ly ở Đại Đồng, Yên Bình cho thu nhập 2,7 tỷ đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế của 56 làng có nghề với trên 20.000 hộ sản xuất kinh doanh hiệu quả cùng 800 doanh nghiệp sản xuất tại 1 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích 264ha. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã đạt 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,5%.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Doãn Hoàn, nếu như trước khi xây dựng NTM (năm 2011), huyện chỉ có 3 xã đạt 17 tiêu chí thì đến hết năm 2013, Thạch Thất đã có 6 xã về đích xây dựng NTM. Thạch Thất phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành xây dựng NTM trên toàn huyện. Trong năm 2014, huyện sẽ tập trung vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững, gắn với đào tạo nghề cho người lao động. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái gợi ý huyện Thạch Thất, sau thành công trong dồn điền đổi thửa, cần tiếp tục tuyên truyền về thành quả của chương trình xây dựng NTM, những mô hình sản xuất hiệu quả, các gương điển hình trong phong trào xây dựng NTM để người dân noi theo, tiếp tục phong trào xây dựng NTM mạnh mẽ, hoàn thành Chương trình 02 của Thành ủy.

Nguyễn Mai