Giá cả bình ổn, siêu thị thắng lớn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 14/02/2014
Vẫn còn hiện tượng "đẩy giá" ở các chợ truyền thống
Theo bà Lê Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, mãi lực mua sắm năm nay vẫn tăng so với Tết Quý Tỵ 2013 dù nhìn bề ngoài có vẻ yếu hơn do hàng hóa còn dư thừa. Lý do là trong khi các siêu thị, doanh nghiệp bình ổn giá đã trữ một lượng hàng lớn (tổng giá trị hàng hóa dự trữ cho dịp Tết là gần 7.582 tỷ đồng) thì lượng hàng về thành phố qua chợ đầu mối quá lớn nên dư thừa, cung vượt cầu chứ không phải sức mua yếu. Theo đó, nếu ngày thường lượng hàng về 3 chợ đầu mối của thành phố khoảng 7.000 - 8.000 tấn/ngày đêm thì từ ngày 20 đến 26 tháng Chạp tăng lên đến hàng chục nghìn tấn/ngày đêm và đêm 28 Tết thì lượng hàng về chợ đầu mối tăng lên đến hơn 13.400 tấn (tăng gần 70% so với ngày thường). Theo bà Đào, sức mua tại các chợ truyền thống năm may giảm khoảng 10% - 15% so với năm ngoái. Tuy nhiên, sức mua tại các siêu thị trên địa bàn tăng rất mạnh, gấp 2 - 3 lần ngày thường và doanh số tăng 10% - 15% so với năm trước. Một số siêu thị ở ngoại thành thành phố còn tăng doanh số gấp 5 - 6 lần, lên 2 tỷ đồng/ngày so với 300 - 400 triệu đồng/ngày thường.
Mua sắm tại siêu thị Co.op Bình Triệu, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ |
Nhờ hàng hóa dồi dào nên giá cả được bình ổn. Cận Tết, giá rau củ quả, thịt gia súc gia cầm đều giảm, thậm chí có khuyến mãi. Chỉ riêng hàng thủy sản, do đặc trưng ngày Tết ngư dân nghỉ đánh bắt, lượng hàng về chợ đầu mối Bình Điền giảm khoảng 50%, nên giá những mặt hàng này những ngày cận Tết có nhích lên.
Tuy nhiên, theo bà Đào vẫn còn hiện tượng găm hàng, "đẩy giá" ở các chợ lẻ trong những ngày sức mua cao nhất là với mặt hàng trứng vịt và thịt lợn, như chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận)… Sở Công thương đã đề nghị các doanh nghiệp bán hàng bình ổn đưa các xe hàng lưu động về các chợ này để điều tiết giá cả trở lại bình thường. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra gần 1.400 vụ và xử lý 850 trường hợp vi phạm quy định như: hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không niêm yết giá… Đoàn kiểm tra cũng xử phạt 91 bãi giữ xe quá giá trên địa bàn.
Dù các ngân hàng cho biết đã chuẩn bị kỹ và thực hiện nhiều phương thức chi trả lương, thưởng nhằm giảm áp lực rút tiền ở máy ATM, nhưng tình trạng trục trặc ở các trụ ATM vẫn xảy ra, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất khiến công nhân phải chạy nhiều nơi hoặc xếp hàng rất lâu mới rút được tiền. |
Hơn 1.500 tỷ đồng chăm lo Tết
Với phương châm "Không để bất cứ một hộ dân nào không có Tết", trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, tổng kinh phí thành phố dành chăm lo Tết cho nhân dân trên địa bàn ước gần 1.510 tỷ đồng, tăng 137 tỷ đồng (10%) so với Tết Quý Tỵ 2013. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng được chăm lo là người thuộc diện chính sách, có công; hộ nghèo và cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Đặc biệt, một số công nhân mất việc làm cận Tết cũng được hỗ trợ như 308 công nhân ở 4 doanh nghiệp gặp khó khăn (146 công nhân của Công ty Kyung sung Vina ở huyện Hóc Môn có chủ bỏ trốn; 125 công nhân của Công ty TNHH SB International ở quận Bình Tân…) được hỗ trợ bình quân 1 triệu đồng/người…
Bên cạnh chăm lo đời sống cho người dân trên địa bàn, thành phố cũng tổ chức tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự để người dân yên tâm đón Tết. Theo báo cáo từ các sở, ngành, các hoạt động lễ hội, văn hóa; việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông… đều được thực hiện tốt, không xảy ra sự cố nào. Trong 8 ngày nghỉ Tết ghi nhận 78 vụ phạm pháp hình sự (giảm 20 vụ tương đương 20,4% so với cùng kỳ); số vụ cháy cũng giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm trước, riêng tai nạn giao thông tăng 5 vụ so với cùng kỳ (7%)…