Đổi mới không có nghĩa là tỏ ra khác biệt

Văn hóa - Ngày đăng : 06:29, 14/02/2014

(HNM) - Gương mặt mới đến với sân thơ trẻ năm nay trong Ngày thơ Việt Nam 2014 là nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên. Theo học ngành tâm lý, hiện Trương Xuân Thiên đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông

Nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên.



- Anh sáng tác đã lâu, xuất hiện trên báo chí cũng không ít, nhưng vì sao đến hôm nay mới góp mặt với sân thơ trẻ của Ngày thơ Việt Nam ?

- Tôi làm thơ và đối đãi với thơ như một người bạn tâm giao. Lúc nào tôi cũng tâm niệm mình là một khách thơ trong dòng đời này mà chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bước ra với công chúng như một nhà thơ thực thụ. Đã nhiều lần tôi muốn đoạn tuyệt với thơ ca để sống cuộc sống của mình, một cuộc sống mà thơ ca chỉ như một cơn gió thoảng. Ấy vậy mà Nàng thơ vẫn cứ bám riết lấy tôi. Năm nay, với riêng tôi, là thời điểm đánh dấu 20 năm bài thơ đầu tiên của tôi xuất hiện trên một tờ báo dành cho tuổi trẻ, tôi bước ra sân thơ trẻ vì biết rằng, thơ ca với tôi không phải một cuộc tình thoáng qua. Đó là một định mệnh.

- Việc đọc thơ trên sân thơ trẻ những năm qua không chỉ theo lối truyền thống, mà thường kết hợp với trình diễn, tạo hình, âm nhạc… Ý tưởng của anh cho chính phần thể hiện các tác phẩm của mình như thế nào?

- Phần trình diễn của tôi chỉ là một nốt nhạc trong một bản hòa ca lớn. Tất nhiên ai đã từng làm thơ cũng muốn mình xuất hiện độc lập đúng với sở thích của mình. Nhưng sân thơ trẻ là ngày hội chung của những người trẻ làm thơ trên mọi miền đất nước. Và giữa chúng tôi, ngoài sự hợp tác trình diễn trên sân khấu còn có tấm lòng liên tài. Còn những mong muốn thực sự riêng tư dành cho thơ, tôi sẽ giữ lại cho riêng mình. Và biết đâu những ý niệm đang sống trong tôi bây giờ sẽ thôi thúc tôi làm một cuộc trình diễn thơ cá nhân. Ở đó, cái tôi của riêng mình sẽ được đẩy đến tận cùng.

- Theo dõi các cuộc trình diễn thơ nhiều năm qua và đã từng tổ chức một cuộc trình diễn thơ đầu năm 2010 khi ra mắt tập thơ thứ hai của mình, anh có nhận xét gì về xu hướng phát triển này?

- Trình diễn thơ không thể thiếu trong đời sống thơ ca đương đại. Bạn không thể đứng ngoài dòng chảy của hơi thở thơ ca ngày hôm nay. Thế nhưng trình diễn không thể thay thế cho bản thân việc sáng tạo thơ ca. Với thơ, độc giả lý tưởng nhất vẫn là người yêu thơ bên trang giấy trắng. Nhưng để tôn vinh thơ, tôn vinh sự sáng tạo của các nhà thơ, làm sao chúng ta có thể tạo ra một lễ hội của những người đọc trầm ngâm bên trang giấy. Chúng ta cần một không gian và một nghi lễ xứng đáng. Và đấy chính là thiên chức của thơ trình diễn. Ở đó tác phẩm thơ sẽ được tái sinh trong một không gian tương tác. Và đấy cũng là nơi nhà thơ và công chúng tìm được sự đồng điệu trực tiếp mà cách cảm thụ truyền thống không thể có được.

- Anh chuẩn bị xuất bản một tập toàn thơ lục bát. Lý do nào cho sự lựa chọn này, nhất là hai tập trước, anh hầu như tập trung vào thơ tự do?

- Trong một Talk Show bàn về thơ đương đại trên truyền hình, tôi đã đối diện với câu hỏi về việc những người trẻ quay lưng với thơ truyền thống. Tôi không nghĩ đổi mới là tỏ ra khác biệt ngay trong thể thức hay thể loại thơ. Tôi biết những người trẻ làm thơ tự do hay đều đã từng làm thơ truyền thống. Không phải bây giờ tôi mới làm thơ lục bát. Bài thơ đầu tiên tôi viết là thơ lục bát. Và khi viết những câu thơ đầu tiên cho tập thơ thuần lục bát "Áo hồ ly", tôi đã đặt ra cho mình một thử thách. Sáng tạo ra một cõi khác, một thế giới hoàn toàn khác biệt và mới lạ trên cơ sở thể thơ truyền thống của dân tộc. Và cho đến câu thơ cuối cùng của tập thơ này, tôi nghĩ mình đã vượt qua thử thách của chính mình.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

Dương Xuân