Khó trước mắt, lợi lâu dài

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 14/02/2014

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo Hà Nội và 4 thành phố trực thuộc Trung ương khác (gồm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng. Và theo đề án của TP Hà Nội, thời gian tới sẽ có 250 xe đạp công cộng (được quản lý bằng chíp điện tử) triển khai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, với mức giá cho thuê khoảng 4.000 - 5.000 đồng/giờ.


Tuy nhiên, đề án này đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận, cũng có không ít người bày tỏ hoài nghi về tính khả thi, hiệu quả của đề án. Một số chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức giao thông cho rằng, khi mà giao thông ở các đô thị lớn vẫn trong tình trạng hỗn loạn, các phương tiện, dù cá nhân hay công cộng, vẫn thường phải "chung sống" trên một làn đường, nhiều người dân còn đi cả xe máy lên vỉa hè mỗi khi tắc đường…, thì khó có thể có không gian an toàn dành cho người đi xe đạp. Điểm đặt xe (cho thuê) cũng là bài toán nan giải đối với nhà đầu tư, nhất là tại khu vực trung tâm, "tấc đất tấc vàng" ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Thậm chí có người còn khẳng định, đi xe đạp là biểu hiện của sự… kém phát triển, và nếu người dân sử dụng đại trà, thay cho mô tô, xe máy, cũng sẽ gây ùn tắc giao thông không kém!

Phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh hạ tầng giao thông ở Hà Nội và các thành phố lớn vẫn trong tình trạng kém phát triển, nhất là một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn thiếu ý thức như hiện nay thì những lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận lợi ích to lớn, thiết thực của việc đi lại bằng xe đạp. Không chỉ là chi phí thấp, an toàn, tiện lợi - ai cũng có thể sử dụng được - mà đi xe đạp còn giúp nâng cao sức khỏe cho người sử dụng, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều đô thị trên thế giới lâu nay vẫn rất chú trọng phát triển giao thông bằng loại phương tiện này, trong đó có dịch vụ xe đạp công cộng, còn gọi là dịch vụ chia sẻ xe đạp. Đáng kể là những thành phố như Thượng Hải, đô thị đông dân nhất Trung Quốc, có tới 60% người sử dụng xe đạp đi làm mỗi ngày; hay như thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, khu vực nội đô có 565.000 người dân nhưng có tới 650.000 chiếc xe đạp… Cùng với xe buýt và đi bộ thì xe đạp, trong đó có xe đạp công cộng, là phương tiện không thể thiếu trong hoạt động giao thông ở các đô thị phát triển. Ở Việt Nam trước đây phương tiện đi lại của người dân cũng chủ yếu bằng xe đạp. Sau thời gian dài bị lấn át, vắng bóng bởi sự bùng phát thiếu kiểm soát của các phương tiện giao thông cơ giới cá nhân (ô tô, mô tô, xe máy), cùng với đó là tình trạng phát triển hạ tầng manh mún, thiếu tầm nhìn, không theo kịp tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số... đáng mừng là vài năm trở lại đây việc sử dụng xe đạp đã có dấu hiệu hồi sinh ở một số thành phố lớn. Và đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn được kỳ vọng sẽ là "cú hích" cho sự phát triển trở lại mạnh mẽ của loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường này. Dịch vụ xe đạp công cộng sẽ làm tăng thêm sự lựa chọn của người dân trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đồng thời góp phần hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và tình trạng ô nhiễm môi trường. Và, theo các chuyên gia quy hoạch và giao thông, trước mắt nên triển khai thí điểm ở những khu vực có hạ tầng phù hợp như trung tâm phố cổ, các khu vực tập trung đông khách du lịch.

Vạn sự khởi đầu nan! Việc triển khai đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng, hướng tới phát triển phổ biến loại hình phương tiện này, dẫu có thể sẽ gặp khó khăn trước mắt nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lâu dài, nếu được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, đặc biệt là sẽ góp phần giải quyết có hiệu quả những "nút thắt" về hạ tầng giao thông và ý thức của người dân. Với Hà Nội, việc triển khai thành công đề án này còn thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của các cơ quan chức năng và người dân Thủ đô trong việc thực hiện thắng lợi "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014".

Hà Anh