Nỗi niềm hát Xẩm
Văn hóa - Ngày đăng : 06:46, 13/02/2014
Qua chương trình giao lưu nghệ thuật "Xẩm Hà thành - xưa và nay" do Hội Nhà văn Hà Nội và CLB Xẩm Hà thành vừa tổ chức, một lần nữa Xẩm lại gieo vào lòng người yêu Xẩm niềm hy vọng hồi sinh, phát triển.
Hát Xẩm hình thành, phát triển mạnh mẽ ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trở thành một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của Hà Nội. Người Hà Nội vốn yêu thích thơ ca, biết thưởng thức âm nhạc nên những gánh Xẩm gắn liền với hình ảnh những người khiếm thị hát ở nơi đông người khi về Hà Nội đã được sáng tạo để phù hợp với đối tượng thưởng thức. Người hát Xẩm ở Hà thành khéo léo lồng vào các điệu hát truyền thống những bài thơ mộc mạc như "Anh khóa", "Cô hàng nước" (của Á Nam Trần Tuấn Khải), "Giăng sáng vườn chè", "Em đi tỉnh về" của Nguyễn Bính… để Xẩm thêm sức hấp dẫn. Xẩm tàu điện, hay Xẩm Hà thành nhờ sự sáng tạo đó mà hình thành, phát triển.
Thời kỳ "hoàng kim" của Xẩm Hà thành là giai đoạn trước năm 1945. Mấy thập niên cuối của thế kỷ XX, nghệ thuật hát Xẩm nói chung, hát Xẩm Hà Nội nói riêng bị rơi vào quên lãng. Xẩm Hà thành mới "sống" lại trong không gian phố cổ vài năm trở lại đây nhưng chưa đủ khiến người yêu Xẩm thỏa "cơn nghiền". Thi thoảng lắm người ta mới thấy những nghệ sĩ mặc đồ nâu thẫm, đeo kính đen, kéo nhị, gõ phách ở cổng chợ Đồng Xuân hay đình Hào Nam. Còn những người đã, đang và sẽ gắn bó với loại hình nghệ thuật độc đáo này luôn chất chứa những điều trăn trở.
Mong muốn khôi phục lại những làn điệu Xẩm Hà thành, Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và đào tạo được một lớp nghệ sĩ trẻ yêu nghề. "Hiện trung tâm sưu tầm được nhiều điệu Xẩm cũ, trong đó có cả điệu xẩm chợ, thập ân và Xẩm tàu điện. Sự thành công bước đầu của chiếu Xẩm chợ Đồng Xuân đã gợi lại cho người yêu Xẩm những hồi ức về loại hình nghệ thuật dân gian này. Nhưng hát Xẩm muốn chinh phục khán giả trẻ sẽ phải có sự cách điệu cho phù hợp với thời đại dựa trên chất liệu truyền thống. Đó là điều vô cùng khó" - nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam trăn trở. Tiếc rằng, sau sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người giỏi nghề, có kỹ năng truyền nghề chẳng còn mấy ai. Lớp người biết hát Xẩm hiện nay được gọi là trẻ cũng đã gần 40 tuổi, có thể hát thành thạo các làn điệu Xẩm cơ bản, nhưng lại chưa có khả năng sáng tác những giai điệu mới, độc đáo.
Là một trong số ít người trẻ được nghệ nhân Hà Thị Cầu dìu dắt, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ: "Giới trẻ bây giờ ít quan tâm đến nhạc dân tộc, nhưng lỗi không hoàn toàn do giới trẻ vì họ rất ít có cơ hội tiếp xúc với nhạc dân tộc. Ngay các phương tiện thông tin đại chúng cũng dành nhiều thời lượng cho nhạc mới, cho các chương trình giải trí, ít có "đất" cho nghệ thuật truyền thống và Xẩm lại càng ít. Đáng nói hơn là không gian biểu diễn của Xẩm rất đặc thù, không thể "cải biên" và đưa lên sân khấu như một số loại hình nghệ thuật khác nên càng khó đến với công chúng. Mong sao Hà Nội sẽ có thêm nhiều chiếu Xẩm như ở chợ Đồng Xuân để loại hình nghệ thuật này có cơ hội hồi sinh, từng bước đi vào lòng công chúng".
Trong một cuộc hội thảo về hát Xẩm mới đây, GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khẳng định: "Hát Xẩm có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa của người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm sẽ góp phần bảo tồn kho tàng văn hóa độc đáo của dân tộc". Vậy chẳng lẽ, người Hà Nội lại thờ ơ với nghệ thuật độc đáo này?