Bí thư Thành uỷ: Cần sự tinh tế hơn nữa với sản phẩm lụa Vạn Phúc

Chính trị - Ngày đăng : 13:53, 12/02/2014

(HNMO)- Sáng 12-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến thăm làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông).

Trước khi đi thăm gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, xưởng dệt của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão, nhà thờ Tổ nghề làng dệt lụa Vạn Phúc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đến thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946).

Cách đây gần 68 năm, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 3-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển tới ở, làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương (làng Vạn Phúc, Hà Đông). 16 ngày làm viêc tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc trao đổi, hội ý với các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng, giải quyết các nhiệm vụ chuẩn bị cho kháng chiến... Đặc biệt trong 2 ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến trên cả nước, vạch ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến, hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Người thảo ra.

Sau khi khảo sát thực tế, Bí thư Thành ủy đã làm việc và nghe lãnh đạo Quận ủy Hà Đông báo cáo về tình hình hoạt động của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Làng Vạn Phúc xưa có tên là Vạn Bảo- một làng Việt cổ có nghề dệt lụa nổi tiếng, đến nay có bề dày truyền thống hơn 1.000 năm. Làng cách trung tâm thủ đô Hà Nội 11 km về phía tây bắc. Năm 2003, phường Vạn Phúc được thành lập (trên cơ sở xã Vạn Phúc) theo Nghị định số 107/2003/NĐ-CP ngày 23-9-2003 của Chính phủ. Diện tích tự nhiên của phường gần 144ha, với hơn 16.700 nhân khẩu. Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, phường Vạn Phúc đã có nhiều thay đổi, với định hướng phát triển làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa. Hàng năm, làng nghề dệt Vạn Phúc đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm quan (từ năm 2009 đến năm 2013 có gần 8.540 đoàn, với hơn 65.180 lượt khách quốc tế và hơn 350.000 lượt khách trong nước đến tham quan, trao đổi, mua bán sản phẩm làng nghề.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc với Quận ủy Hà Đông về làng nghề dệt Vạn Phúc


Hàng năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Vạn Phúc đạt 20%; sản lượng lụa các loại hàng năm trung bình đạt 1,5 triệu mét; doanh thu thương mại, dịch vụ bình quân trên 65 tỷ đồng; thu ngân sách bình quân mỗi năm tăng hơn 20% (năm 2013 thu ngân sách đạt 6,9 tỷ đồng). Hiện nay, trên địa bàn phường có trên 300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề, trong đó có 30 cơ sở, doanh nghiệp và trên 200 hộ cá thể với tổng số gần 250 máy dệt và trên 150 cửa hàng kinh doanh sản phẩm và dịch vụ thương mại. Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, năm 2003, trên địa bàn phường Vạn Phú đã quy hoạch và đầu tư xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích 13ha.

Mục tiêu phát triển trong những năm tới của Vạn Phúc là tập trung phát triển kinh tế làng nghề theo hướng bền vững; phát huy giá trị văn hóa làng nghề, xây dựng phường Vạn Phúc trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu đạt sản lượng 2-2,5 triệu mét lụa/năm, đồng thời chú trọng củng cố thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; phấn đấu hàng năm đón từ 10 nghìn lượt khách quốc tế và 70-80 nghìn lượt khách nội địa đến tham quan...

Bí thư Thành ủy thăm gian trưng bày sản phẩm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc


Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, chính quyền và nhân dân địa phương thật tự hào về làng nghề truyền thống trên 1.000 năm tuổi. Làng dệt lụa Vạn Phúc đã được kỳ họp HĐND thành phố vừa qua chọn là làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội cần được bảo tồn và phát triển. Có thể nói, việc bảo tồn, phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc không chỉ có ý nghĩa là bảo tồn thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, mà thông qua đó còn phát huy được tối đa thế mạnh, tiềm năng vốn có, phát huy được tài năng, trí tuệ đáng quý trong dân gian, từ đó góp phần nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam, trong đó có sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước của nhân dân.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của phường Vạn Phúc, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát, xem xét điều chỉnh các quy hoạch chi tiết về giao thông, điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp... cho phù hợp với thực tế để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận của làng Vạn Phúc những năm qua, để phát triển bền vững, thời gian tới, chính quyền và nhân dân phường Vạn Phúc cần quan tâm hơn nữa đến nhu cầu của thị trường, ngoài sự phong phú về sản phẩm, chú trọng tăng sản lượng hàng năm cần phải tập trung vào chất lượng, nâng cao giá trị của sản phẩm, cải tiến hơn nữa mẫu mã, sự tinh tế của sản phẩm.

Bí thư Thành ủy thăm xưởng dệt tại làng dệt lụa Vạn Phúc


Bí thư Thành ủy cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại. Đặc biệt, muốn bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững thì điều quan trọng là phải quan tâm bảo vệ môi trường, tránh để xảy ra ô nhiễm.

Về vấn đề trùng tu nhà lưu niệm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bí thư Thành ủy cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đầu tư trùng tu, mở rộng, bảo đảm đến năm 2016 phải hoàn thành công trình để chào mừng 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy lưu ý, trong quá trình trùng tu phải hết sức coi trọng việc bảo tồn tối đa nguyên trạng, lưu giữ, sưu tầm, bổ sung được các yếu tố gốc, nếu phải thay thế nguyên liệu cần bảo đảm sát với nguyên liệu ban đầu nhằm tôn trọng giá trị lịch sử... Theo Bí thư Thành ủy, thời gian tới cần chú trọng hướng dẫn du khách, phải biết lồng ghép tour du lịch để mỗi khi du khách đến tham quan làng nghề Vạn Phúc không thể quên một địa chỉ quan trọng là khu lưu niệm nơi Bác Hồ đã từng ở và viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Hưng Thịnh