Những vấn đề nên làm rõ trước khi tinh giản biên chế
Chính trị - Ngày đăng : 08:39, 12/02/2014
Hiện số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước ước tính trên 2,5 triệu người trong đó khoảng 257.000 biên chế cho cấp xã. Số lượng công chức, viên chức lớn như vậy nhưng cách giải quyêt công việc, dịch vụ của họ lại đang có nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân. Do đó việc tinh giản biên chế nhằm vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước lần này là rất cần thiết, nhận được sự đồng tình của đa số người dân.
Tinh giản biên chế, thực chất là phải lựa chọn những công chức, viên chức làm trôi chảy công việc được giao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nước, cho người dân. Việc đó cũng đồng nghĩa rằng nhà nước chi trả lương bằng “đồng tiền” tương xứng với “bát gạo”. Khi tinh giản biên chế ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, người ta lại phải đặt ra câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài việc tuyển người, giảm người lại khá đơn giản, không tốn kém, nhưng động đến Nhà nước thì vừa tốn kém lại vừa khó khăn? Bằng chứng là trước đây chúng ta đã làm nhưng không thành công. Thậm chí, biên chế của nhiều cơ quan đơn vị không những không giảm mà còn tăng lên.
Vì vậy, Dự thảo tinh giản lần này vẫn còn những vấn đề cần làm rõ. Trước hết, là con số 100.000 người phải bị thôi việc, phải làm rõ tại sao lại ấn định con số này. Số người bị thôi việc chính xác chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số công chức, viên chức đang làm việc? Mặc dù dự thảo đã nói rõ việc giảm 100.000 người đó thì đến 80% là giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và chỉ 20% giải quyết thôi việc. Trong khi đó, con số thông kê qua Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, con số truyền thông đưa tin lại có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và khoảng 30% phải “cầm tay chỉ việc”. Giảm cho về hưu trước tuổi vì làm việc kém hiệu quả đã đành nhưng những người làm việc có hiệu quả thì sao, khi rất nhiều ý kiến vẫn đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu do sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Làm rõ điều này có nghĩa là trả lời ai, ở vị trí nào và ở đó phải làm, biết làm những việc gì... Tránh tình trạng không biết phải làm cái gì, không biết phải làm như thế nào hoặc làm rất kém.
Thứ hai, là tinh giản biên chế ngoài việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ đối với những cán bộ, công chức, viên chức dư ra thì cũng phải có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nữa, thậm chí tuyển dụng những công chức chất lượng cao để thay thế. Từ nay đến năm 2020, khi cho nghỉ tới 20% công chức, viên chức thì có được tuyển dụng bổ sung lực lượng trẻ mới đào tạo nữa hay không? Vấn đề này liên quan đến giáo dục đào tạo, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội? Thực tế những năm qua cũng đã chứng minh, muốn tinh giản biên chế thì trước hết phải có chất lượng biên chế cao khi đó mới cắt giảm được số lượng.
Thứ ba, là cách đánh giá công chức, viên chức. Dự thảo cũng đã đưa ra những tiêu chí đánh giá, tạo điều kiện cho việc đưa ra khỏi bộ máy những công chức, viên chức năng lực yếu kém, những người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ra khỏi biên chế, khi doanh nghiệp không còn cổ phần của nhà nước… Việc đưa những tiêu chí cụ thể này là rất đúng nhưng để vận dụng nó vào thực tế hiện nay lại là cả một vấn đề lớn. Tình trạng Bộ, ngành quản lý doanh nghiệp sẽ tạo ra một luồng công chức, viên chức yếu kém từ nhà nước chạy sang doanh nghiệp nhà nước mà đồng lương họ nhận cũng từ túi tiền của nhà nước. Nạn chạy chọt cho đủ tiêu chuẩn sẽ hoành hoành, người có năng lực ít khi chịu chạy chọt, lúc đó có thể bị “ra rìa”...
Đó là những vấn đề mà khi tinh giản biên chế chúng ta phải đối mặt. Muốn vượt qua nó chúng ta cần có một cơ chế rõ ràng, minh bạch, có người giám sát, chịu trách nhiệm, có lộ trình từng bước và phải khoa học chứ không thể để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Do đó, muốn thành công việc tinh giản lần này, trước tiên phải làm sáng tỏ tính toán khoa học của con số cần giảm. Đồng thời, phải có bộ tiêu chí đánh giá công chức dựa trên cơ sở sự hài lòng của người dân chứ không phải “hài lòng” của một vài cá nhân... Đây là cách đánh giá cán bộ, công chức viên chức khách quan nhất và công bằng nhất, không bị chi phối bởi các loại quyền lực khác chen vào. Việc đánh giá công lao, đề bạt, khen thưởng quan chức hành chính cũng nên dựa trên phiếu thăm dò về sự hài lòng của người dân thuộc lĩnh vực đó, nghĩa là những đối tượng này cũng nằm trong diện tinh giản. Cải cách quy trình tuyển dụng, quy trách nhiệm, loại bỏ triệt để cách làm “đúng quy trình” nhưng kết quả không chuẩn, không phản ánh đúng năng lực của người đó… Có như vậy, đợt tinh giản biên chế này mới có tính thuyết phục và đạt hiệu quả như mong muốn!