Xu hướng khả thi (?)
Kinh tế - Ngày đăng : 07:35, 12/02/2014
Doanh nghiệp tham gia bình ổn xin… tăng giá
TP Hồ Chí Minh là địa phương "khởi xướng" chương trình bình ổn giá, bắt đầu từ năm 2002 với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Trong năm đầu tiên, có 2 doanh nghiệp thực hiện là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Lương thực thành phố. Thành phố đã cho các doanh nghiệp này tạm ứng 45 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa trong 2 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm đối phó với hoạt động đầu cơ, ổn định tâm lý người tiêu dùng.
Từ năm 2007, cơ chế tạm ứng vốn chuyển sang cho vay không lãi suất, ủy thác thông qua Quỹ Đầu tư Phát triển đô thị (nay là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố), số doanh nghiệp tham gia cũng nhiều hơn. Năm 2010, chương trình bình ổn được mở rộng thực hiện quanh năm và triển khai thêm bình ổn các mặt hàng mùa khai trường. Năm 2011, thành phố có tổng cộng 4 chương trình bình ổn gồm: Lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng cho mùa khai trường, dược phẩm và sữa.
Bánh kẹo nội tiếp tục là sự lựa chọn của người tiêu dùng. |
Thực tế, trong quá trình triển khai, có rất nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của chương trình. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, hiệu quả chương trình bình ổn chỉ là "ảo" bởi theo quy luật thị trường thì 30% lượng hàng không thể nào chi phối được 70% thị phần nên hàng bình ổn không thể làm được vai trò điều tiết giá. Chưa kể, việc hỗ trợ các doanh nghiệp bình ổn còn dẫn đến cạnh tranh không công bằng, không khuyến khích doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Những bất cập của bình ổn giá cũng lộ rõ khi trong các năm 2010, 2011 khi giá cả thị trường biến động, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã phải liên tục… xin tăng giá theo thị trường!
Năm 2013, dù không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách, song số lượng doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường vẫn tăng 16 doanh nghiệp so với năm ngoái, lên con số 64 doanh nghiệp. Trong Tết Giáp Ngọ 2014, tổng giá trị hàng hóa đưa ra thị trường là gần 7.582 tỷ đồng (tăng 40,5% so với cùng kỳ); trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng. Đến nay, các doanh nghiệp đã có 3.367 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng 305 điểm so với đầu năm 2013. Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện được 719 chuyến bán hàng lưu động đến các khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng ven và ngoại thành. |
Phát triển theo chiều sâu
Bà Lê Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ghi nhận những phản hồi của thị trường, chuyên gia và doanh nghiệp, thành phố đã luôn điều chỉnh để chương trình bình ổn ngày càng phát huy hiệu quả tốt hơn. Từ những ngày đầu chỉ hỗ trợ vốn để dự trữ hàng hóa, hỗ trợ khâu sản xuất nhằm tạo nguồn hàng bình ổn, đến nay Sở Công thương đã điều tiết và chỉ đạo các doanh nghiệp bán hàng bình ổn đưa hàng tăng cường bằng các chuyến xe bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn phục vụ công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng sâu, vùng xa để bà con vùng khó khăn được hưởng chính sách bình ổn giá. Đặc biệt, việc giảm và dừng hỗ trợ vốn ngân sách được đánh giá là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển mang tính chiều sâu của chương trình và làm những băn khoăn về hiệu quả chương trình không còn nữa.
Cũng theo bà Lê Thị Đào, việc ngưng cấp vốn ưu đãi cho doanh nghiệp bình ổn giá là nằm trong kế hoạch, thể hiện qua việc cấp vốn giảm dần từng năm. Theo đó, năm 2011 và 2012 đã có một số doanh nghiệp tham gia chương trình không nhận vốn ưu đãi từ ngân sách. Năm 2013, để tạo nguồn vốn cho 46 doanh nghiệp sản xuất, dự trữ hàng cung ứng cho thị trường, thành phố đã tổ chức kết nối với các ngân hàng và có 5 ngân hàng gồm Agribank (chi nhánh Lý Thường Kiệt), Eximbank, Sacombank, BIDV (chi nhánh Bến Thành), VietinBank (chi nhánh 7) cùng "vào cuộc" cùng tham gia với các doanh nghiệp. Các ngân hàng này đã cam kết cho doanh nghiệp bình ổn giá vay ưu đãi 1.960 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn 860 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm và vay trung, dài hạn 1.100 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm. Theo bà Đào, thành phố chỉ làm việc giới thiệu, kết nối ngân hàng và các doanh nghiệp với nhau. Việc giới thiệu này không phải là thành phố "bảo lãnh" cho các doanh nghiệp vay vốn, đồng nghĩa với việc 100% doanh nghiệp bình ổn giá không còn nhận vốn ưu đãi từ ngân sách.