Đờn ca tài tử đón bằng Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại

Văn hóa - Ngày đăng : 22:32, 11/02/2014

(HNMO) – Tối 11-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh.

Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức đón bằng di sản (ảnh minh họa)


Như vậy, sau hơn hai tháng được công nhận tại TP Baku (Azerbaijan) hôm 5-12-2013, tối 11-2-2014, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO trao tặng.

Tới dự buổi Lễ tôn vinh và đón bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cùng đại diện lãnh đạo của 21 tỉnh thành Nam Bộ, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, các tổ chức quốc tế và nhân dân các tỉnh thành phía Nam…

Tại buổi Lễ đón nhận, Bà Katherine Muller-Marine, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam thay mặt tổ chức UNESCO đã cùng Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh trao bằng di sản của UNESCO cho đại diện 21 tỉnh, thành phía Nam có nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Sau Lễ đón bằng Di sản, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh công bố Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử với 7 nội dung:

1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc phát huy và bảo vệ các giá trị di sản nói chung và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và cộng đồng của nhân dân các địa phương

3. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn để bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.

4. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài tổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy những giá trị nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ trong cuộc sống đương đại.

5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp thường xuyên tổ chức và định kỳ các chương trình giới thiệu và quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

6. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử.

7. Tạo mọi điều kiện để nghệ nhân Đờn ca tài tử Nam bộ có nhiều cơ hội giao lưu, trình diễn ở nước ngoài;thường xuyên tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở các địa phương và định kỳ 3 năm một lần tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ toàn quốc.


Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định, Bộ VHTT&DL sẽ đồng hành cùng các địa phương và nhân dân thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia này, đồng thời yêu cầu các Sở VHTT&DL các tỉnh có nghệ thuật Đờn ca tài tử căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương kịp thời xây dựng đề án chi tiết cụ thể hóa những nội dung của Chương trình hành động quốc gia, báo cáo UBND các tỉnh thành để triển khai thực hiện.

Tới đây sẽ có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ


Tại buổi Lễ vinh danh và Đón bằng Di sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng và Nhà nước đã chia sẻ niềm vui, niềm tự hào trước sự kiện này. Thủ tướng nhấn mạnh: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ, của người Việt Nam mà còn góp phần thiết thực và việc gìn giữ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới, đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ VHTT&DL, các nhà nghiên cứu các tổ chức trong nước và quốc tế trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của Việt Nam, của nhân loại trong đó có nghệ thuật Đờn ca tài tử. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VHTT&DL, các tỉnh thành, các nghệ sĩ, nghệ nhân, với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ thực hiện Chương trình hành động quốc gia, bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, để nghệ thuật Đờn ca tài tử nam bộ luôn được bảo tồn và sáng tạo, có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Thay mặt nhân dân Việt Nam, Thủ tướng mong tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của tổ chức UNESCO và các tổ chức quốc tế trong việc phát triển kinh tế xã hội cũng như trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Thay mặt cho đại diện 21 tỉnh thành có nghệ thuật Đờn ca tai tử Nam Bộ, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ VHTT&DL về Chương trình hành động quốc gia trong việc gìn giữ, bảo tồn tinh hoa của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông Hứa Ngọc Thuận cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của nhân dân phát huy giá trị nghê thuật đờn ca tài tử, tạo không gian cho các hoạt động sinh hoạt Đờn ca tài tử ở các địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương có nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ tiến hành in các ấn phẩm của nghệ thuật Đờn ca tài tử bằng sách, đĩa để tuyên truyền rộng rãi hơn tới đông đảo nhân dân cả nước.

Tại Lễ vinh danh và đón nhận bằng di sản, nhiêu tiết mục nghệ thuật đờn ca tài tử đặc sắc do các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… cũng được trình diễn trên sân khấu. 

Hoàng Lân