Cảm nhận từ một sân chơi cho học sinh, sinh viên
Giáo dục - Ngày đăng : 20:38, 11/02/2014
Nhóm sinh viên Việt Nam đoạt Giải Nhất với dự án "Once upon a cow" |
Chiếc máy bay của Việt Nam Airline từ từ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Changi của Singapore, đưa gần 60 học sinh, sinh viên Việt Nam đến tham dự Hội nghị thanh niên toàn cầu (GYS 2014) với chủ đề “ Hành động vì Trái đất – Không lãng phí” do tổ chức Hemispheres Foundation khởi xướng. Đây là một diễn đàn quốc tế lớn về môi trường, thu hút hơn 400 học sinh, sinh viên đến từ 13 quốc gia châu Á tham gia từ 15/1- 18/1/2014 tại Singapore. Một điều bất ngờ là Dự án “Once upon a cow” (Chỉ từ con bò) của một nhóm học sinh Việt Nam đã được lọt vào vòng Chung kết và giành Giải Nhất về ý tưởng, vượt qua cả những quốc gia “sừng sỏ” về môi trường như Trung Quốc, Thai Lan, Singapore…
Con em của chúng ta rất giỏi
Đó là lời nhận xét không có gì là thái quá của một phụ huynh học sinh đi theo đoàn. Bởi lẽ phần lớn các em trong nhóm học sinh đoạt giải đều là các học sinh cuối cấp PTTH. Để đạt học bổng của NYC (National Youth Council - UB thanh niên Quốc gia Singapore), sang dự Hội nghị GYS 2014 các em không chỉ cần thông thạo tiếng Anh, mà phải có đam mê với việc bảo vệ môi trường. Trong những ngày ăn, ở, tham dự hội nghị cùng đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về trình độ ngoại ngữ của các em không hề thua kém các quốc gia trong khu vực. Tại những buổi nghe thuyết trình, hay làm việc theo nhóm chúng tôi thấy các học sinh Việt Nam rất tự tin và hào hứng. Thậm chí, có những em như Mỹ Linh, Thùy Dung, Hoàng Sơn, Minh Hằng… còn làm chủ diễn đàn khi sôi nổi tranh luận bằng tiếng Anh với các bạn đến từ Singapore, Australia, Indonesia, Thái Lan…Ấn tượng nhất là Lã Anh Duy, học sinh lớp 8 chuyên Anh Trần Phú Hải Phòng với gương mặt còn nhiều chất ngây thơ, nhưng cậu bé nói tiếng Anh lưu loát, đôi lúc còn pha trò cười rất hóm hỉnh. Trong buổi khai mạc, gặp Duy ở gần cuối Hội trường tôi hỏi: - Cháu nghe ông Bộ trưởng Bộ Môi trường và nguồn nước của Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu thì hiểu được bao nhiêu phần trăm? – Cháu hiểu hết bác ạ, ông ấy nói đơn giản mà, - Duy tự tin trả lời.
Tại vòng chung kết của cuộc thi trong 3 phút trên sân khấu các học sinh của chúng ta phải trình bày được mục tiêu, ý tưởng của dự án; tính khả thi, kế hoạch thực hiện và nguồn kinh phí cho dự án; cũng như hiệu quả của sự phối hợp nhóm… Sau đó là việc trả lời chất vấn của Ban Giám khảo. Ý tưởng Dự án “Once upon a cow” của Việt Nam là thu gom vỏ hộp sữa để tái chế, cán ra làm mái nhà cho những người nghèo – vừa tiết kiệm được kinh phí giúp đỡ người nghèo, lại vừa giữ sạch môi trường, hạn chế rác thải. Hai học sinh Việt Nam là Bùi Thị Ngọc Hoa và Diệu Mỳ (lớp 12 chuyên Anh ở Hải Phòng và TP. HCM) đã thuyết trình và trả lời xuất sắc, bảo vệ thành công ý tưởng về môi trường cho dự án “Once upon a cow”, được cả hội trường vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt...
Kết thúc cuộc thi, tất cả chúng tôi đều vỡ òa vì sung sướng khi Ban Giám khảo tuyên bố rằng, dự án môi trường của nhóm học sinh của Việt Nam đã đoạt giải cao Nhất. Thành viên trong nhóm Đặng Minh Hằng (Lớp 11 chuyên Anh, Trần Phú, Hải Phòng) cho biết, ý tưởng thu gom vỏ hộp sữa của em bắt đầu từ một lần xem bản tin truyền hình về một doanh nghiệp ở TP. HCM muốn tìm nguyên liệu là vỏ hộp sữa để đem tái chế sử dụng làm mái nhà. Doanh nghiệp này đã từng làm mái nhà cho một trường tiểu học và gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu do người dân chưa có thói quen thu gom vỏ hộp sữa… Còn Bùi Thị Ngọc Hoa thì khiêm tốn chia sẻ: - Em thuyết trình thành công là do ý tưởng hay và sự chuẩn bị nỗ lực của cả Nhóm. Ý tưởng tuy đơn giản, nhưng lại thiết thực, đáp ứng được các yêu cầu của Ban Giám khảo...
Nói về dự án môi trường “Once upon a cow” của học sinh Việt Nam, ông Hugh Mason, thành viên Tổ chức môi trường Châu Á (JFDI ASIA) cho rằng, đây là dự án có tính thực tiễn cao, phù hợp với giới trẻ. Đặc biệt, ông đánh giá cao ý tưởng bảo vệ môi trường bằng cách tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng – Một điều rất cần thiết cho các quốc gia đang trong tiến trình hội nhập và phát triển như Việt Nam... Theo dự kiến, sau khi về nước, dưới sự trợ giúp của Hemispheres Foundation, dự án “Once upon a cow” của nhóm học sinh Việt Nam sẽ được triển khai thử nghiệm tại Hà Nội và TP.HCM với kinh phí ban đầu khoảng 2500 SGD. Nhóm dự định sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đến từng khu cư, vận động người dân nâng cao ý thức phân loại rác thải. Thông qua mạng xã hội Facebook, nhóm dự định phát động phong trào thu gom vỏ hộp sữa để chuyển cho nhà máy tái chế, phát túi vải và phương tiện hỗ trợ các tình nguyện viên muốn tham gia.
Một sân chơi hấp dẫn và bổ ích
Có thể nói, Hội nghị thanh niên toàn cầu (GYS 2014) với chủ đề liên quan tới môi trường Trái đất tại Singapore thực sự là một sân chơi rất hấp dẫn và bổ ích cho giới trí thức trẻ. Sôi động, hào hứng và say mê làm việc là những điều mà chúng tôi và rất nhiều bạn trẻ đến từ 13 quốc gia cảm nhận được trong suốt quá trình 4 ngày ở Singapore. Ngoài việc nghe thuyết trình và làm việc theo nhóm tại Hội trường các em còn được đi tham quan thực tế những nơi điển hình về xử lý môi trường nước, rác thải ở Singapore, hoặc như được chia nhóm vào các khu chung cư tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường sống cho người dân địa phương. Hoàng Sơn, lớp 11 chuyên Lý, Đại học tổng hợp Hà Nội cho biết, em rất hứng thú và say mê bởi lần đầu tiên em được tham gia một sân chơi sôi động, nhưng lại rất nghiêm túc và có ý nghĩa về môi trường. Hôm chuẩn bị dự án để dự thi nhóm của em phải thức tới 3 giờ sáng mà vẫn thấy vui. GYS 2014 đã kéo khoảng cách giữa các bạn trẻ ở nhiều quốc gia lại với nhau, khiến họ cảm thấy gần gũi hơn khi cùng chung mục đích là bảo vệ môi trường Trái đất. Còn Sarah Ann Herring, 16 tuổi, sinh viên năm thứ nhất trường Hawkesdale P12 College (Australia) thì chia sẻ: - Tôi không ngờ quy mô của GYS 2014 lại lớn như thế. Tôi thực sự hào hứng và ấn tượng với môi trường ở Singapore, đặc biệt là khi được đi thăm quan ở Semakau Land fill. Không ai có thể nghĩ rằng, hơn 30 năm trước khu tái chế rác thải khổng lồ và hiện đại này lại là một làng chài nhỏ bé chìm ngập trong ô nhiễm…
Nói về Hội nghị GYS, bà Ann Phua, Chủ tịch Tổ chức Hemispheres Foundation khẳng định: GYS là một diễn đàn hữu ích thường niên dành cho các bạn trẻ trên Thế giới cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm của nước mình với các bạn đến từ các nước khác. Đây cũng là một cơ hội tốt, một diễn đàn mở để giới trẻ quan tâm tới môi trường có điều kiện được gặp gỡ, trao đổi và học hỏi thêm những kinh nghiệm về bảo vệ môi trường, từ đó có những sáng kiến riêng của mình để đóng góp cho việc bảo vệ môi trường tại mỗi quốc gia. Không những thế, GYS còn là nơi để các bạn trẻ có thể tận dụng cơ hội để kết bạn, làm quen, giao lưu trên nhiều lĩnh vực khác…
Tạm biệt quốc đảo sư tử, chúng tôi mang theo nhiều ấn tượng tốt đẹp từ GYS 2014. Nhớ nhất đêm bế mạc sôi động với chương trình văn nghệ gồm các tiết mục do các bạn trẻ của từng quốc gia lên biểu diễn. Đoàn học sinh Việt Nam thể hiện cuối cùng với bài hát “Trống cơm”. Trong tiếng nhạc bập bùng, tiếng ca hào hứng hầu như cả hội trường đều đứng dậy vỗ tay và nhảy cùng với đoàn Việt Nam. Các bạn trẻ chúng ta ai cũng tràn đầy khí thế với những khuôn mặt rạng ngời vì sung sướng và hạnh phúc… Trong niềm vui hân hoan đó tôi cảm thấy tin tưởng và hy vọng nhiều vào thế hệ trẻ và tương lai Đất nước. Một câu hỏi bỗng thoáng qua trong ý nghĩ: Tại sao trong nước mình có tổ chức sinh viên, đoàn thanh niên, nhưng lại chưa tạo được những sân chơi bổ ích và cuồng nhiệt như vậy cho giới trẻ? Câu hỏi đó vẫn cứ ám ảnh tôi cho tới bây giờ.