Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:35, 11/02/2014
Tăng thuế suất, bổ sung đối tượng chịu thuế
Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, Luật Thuế TTĐB hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2008, có hiệu lực từ ngày 1-4-2009, sau gần 5 năm thực hiện đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách nhà nước (NSNN) một cách hợp lý. Đối tượng chịu thuế chủ yếu là hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng như nhóm hàng hóa có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia) hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng) hay hàng xa xỉ (ô tô, máy bay, du thuyền).
Thuốc lá nằm trong số những mặt hàng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Văn Miền |
Tuy nhiên, Luật Thuế TTĐB hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung. Theo Bộ Tài chính, về bản chất dịch vụ nhắn tin trúng thưởng là loại hình vui chơi có thưởng, đặt cược nhưng chưa được quy định cụ thể trong luật. Những năm qua, nhiều công ty ký hợp đồng với đài truyền hình, phát thanh, các nhà mạng (Vinaphone, MobiFone, Viettel) để tổ chức cuộc thi, bình chọn giọng ca, dự đoán kết quả trò chơi, thi đấu thể thao... Song, các nhà mạng hiện chỉ kê khai, nộp thuế GTGT mà không phải kê khai nộp thuế TTĐB do quy định hiện hành chưa nêu rõ kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng bao gồm cả dịch vụ nhắn tin có thưởng. Để bảo đảm bình đẳng giữa các DN kinh doanh đặt cược khác, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định nhóm dịch vụ này thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, nhiều chuyên gia y tế quốc tế đã cảnh báo một số tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hằng ngày hoặc quá mức, như: Gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, gút, ung thư. Nam giới uống nhiều nước có ga, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên 40% so với bình thường... Vì vậy việc bổ sung mặt hàng vào danh sách đối tượng chịu thuế sẽ có tác dụng hạn chế và định hướng tiêu dùng.
Về thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia và thuốc lá, Bộ Tài chính cho biết, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới, thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia của Việt Nam đang ở mức thấp và cần phải tăng thuế suất. Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm từ cây thuốc lá, thuế suất sẽ tăng từ 65% lên 75% từ ngày 1-7-2015 đến ngày 31-12-2017. Tới ngày 1-1-2018, thuế suất nhóm hàng này sẽ tăng lên 85%. Hai mặt hàng bia, rượu cũng sẽ điều chỉnh thuế suất từ ngày 1-7-2015, trong đó thuế suất với bia tăng từ 50% lên 65%; rượu 20o trở lên tăng từ 50% lên 65% và rượu dưới 20o tăng từ 25% lên 35%.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, năm 2012 Việt Nam đã thất thu thuế 6.455 tỷ đồng (tương đương 309 triệu USD) do thuốc lá nhập lậu. Thuốc lá nhập lậu cũng làm "chảy máu" 400 triệu USD/năm, khiến Việt Nam mất khoảng 5 triệu công lao động của nông dân trồng cây thuốc lá, làm giảm 20% doanh thu của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam. |
Phải bảo đảm công bằng
Ngay sau khi Bộ Tài chính công khai dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB, các DN sản xuất những mặt hàng chịu thuế đã nêu một số ý kiến xung quanh việc điều chỉnh thuế suất. Ông Bùi Nhật Tiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cho biết, là DN sản xuất và kinh doanh thuốc lá, một mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, chúng tôi nhất trí với quan điểm tăng thuế TTĐB để giảm cầu và tăng thu cho NSNN. Tuy nhiên, với nguồn cung thuốc lá trên thị trường hiện nay, ngoài thuốc lá sản xuất hợp pháp - đóng đầy đủ thuế TTĐB và các khoản thu khác theo luật định, còn có một lượng lớn thuốc lá nhập lậu (ước tính trên 20%) không được kiểm soát chặt chẽ, đang gây thất thu lớn cho NSNN (khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng/năm). Nếu thực hiện việc tăng thuế với sản phẩm thuốc lá hợp pháp mà không có giải pháp triệt để với thuốc lá ngoại nhập lậu thì sẽ xảy ra tình trạng: Nguồn thu NSNN từ thuốc lá sản xuất trong nước tăng lên một phần do điều chỉnh thuế suất, nhưng cũng có thể sẽ bị giảm nguồn thu hợp pháp này khi thuốc lá ngoại nhập lậu không được kiểm soát chặt chẽ. Bởi khi thuốc lá ngoại nhập lậu được bán với giá rẻ sẽ cạnh tranh thị phần của sản phẩm hợp pháp. Thực tế này đã xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới khi tăng thuế với thuốc lá. Ông Bùi Nhật Tiến kiến nghị, nên xây dựng cách tính thuế hợp lý để nhằm bảo đảm tăng nguồn thu cho NSNN và quyền lợi tiêu dùng của nhiều tầng lớp có thu nhập khác nhau trong xã hội. Việc kiểm soát được giá bán lẻ và hệ thống phân phối chính là cơ sở để thu đúng, thu đủ tiền thuế, góp phần tăng thu cho ngân sách. Bởi thuế TTĐB bản chất là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng. Nếu lấy giá bán của cơ sở sản xuất chưa có thuế làm cơ sở tính thuế mà không kiểm soát giá bán lẻ thì vô hình chung, người tiêu dùng ngoài khoản nộp thuế cho NSNN sẽ phải chịu thêm khoản chênh lệch giá bán từ cơ sở sản xuất và giá mua từ người bán lẻ (khoản này NSNN chỉ thu được 10%).
Đại diện một DN sản xuất bia lại nêu ý kiến, đề xuất tăng mức thuế TTĐB của bia lên thêm 15% so với hiện hành dự kiến sẽ không thuận lợi cho DN, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Bởi nếu so sánh sức cạnh tranh của các DN sản xuất bia trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng lĩnh vực, DN nội địa vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính lẫn năng lực quản trị. Tới đây, nếu thuế suất tiếp tục tăng cao thì việc cạnh tranh sẽ vô cùng khó khăn.
Được biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB sau khi trình Chính phủ và lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân sẽ được thảo luận tại Quốc hội. Nếu được Quốc hội thông qua, Luật Thuế TTĐB sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2015.