Cần nhiều nhân tố nhiệt huyết
Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 10/02/2014
- Theo dự kiến, chậm nhất trong quý I năm 2014, Hiệp hội sẽ được thành lập, tập hợp gần 100 nhà phát hành phim trong cả nước. Là người tham gia thành lập tổ chức này, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về sự ra đời của nó?
- Đây là một vấn đề mà những người làm điện ảnh trăn trở từ gần 10 năm qua. Sự xuất hiện chậm trễ của Hiệp hội có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thứ nhất là hành động thường không theo kịp sự đổi mới của nhận thức; tư duy của người làm phát hành phim không khỏi có sự ỷ lại cũng như trông chờ vào các chương trình chấn hưng điện ảnh của Nhà nước. Thứ hai, phương thức hoạt động của Hiệp hội còn quá mới mẻ đối với lĩnh vực văn hóa nói chung và với điện ảnh nói riêng. Thứ ba, các hoạt động mang tính xã hội cần phải có những con người của xã hội, những nhân tố nhiệt huyết, "có lửa" vì sự nghiệp điện ảnh, không vì lợi ích cá nhân và tất nhiên là phải có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn.
Tôi tin là sự ra đời của Hiệp hội sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của điện ảnh nước nhà, góp phần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và giải trí ngày càng cao của xã hội.
- Fafim Việt Nam, đơn vị từng giữ vị trí nòng cốt trong việc phát hành và phổ biến phim nhưng nhiều năm nay vắng bóng, giờ sẽ có vai trò thế nào trong tổ chức này, theo ông?
- Fafim Việt Nam trong sự phát triển của thị trường điện ảnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã không còn giữ vị trí độc tôn trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim, hoạt động bình đẳng với các đơn vị phát hành và chiếu bóng trong cả nước theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở đây vẫn có một đội ngũ những người làm công tác phát hành đầy kinh nghiệm cùng một nền tảng về hạ tầng cơ sở rất vững so với mặt bằng chung. Với thế mạnh này, là một thành viên sáng lập của Hiệp hội, Fafim Việt Nam chắc chắn sẽ có đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của tổ chức này.
- Là đơn vị tham gia nhập khẩu phim, ông có cho rằng hiện đang có sự mất cân bằng giữa tỷ lệ phim Mỹ với phim của các quốc gia, các nền văn hóa khác? Bên cạnh đó, tính giải trí có vẻ cũng được ưu tiên hơn đối với nhà nhập khẩu và phát hành phim?
- Thị trường có quy luật rất riêng của thị trường, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phim phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và các hiệp định quốc tế. Đó là điều đương nhiên. Việc mất cân đối, thiếu phong phú trong thưởng thức nghệ thuật điện ảnh ở nước ta hiện nay, theo tôi là nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật. Vấn đề này sẽ được xã hội và chính thị trường điều tiết theo đà phát triển điện ảnh và thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu phim của các tổ chức xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của Hiệp hội.
- Là người nhiều năm gắn bó với điện ảnh Việt Nam, theo ông, phim trong nước chưa đủ sức hút có phải là lý do chính khiến phim nhập chiếm tỷ lệ cao như hiện nay?
- Điều này đúng là có gây ảnh hưởng, nhưng nhu cầu giao lưu văn hóa và giải trí là một quyền lợi của khán giả cần được tôn trọng. Việc thiết lập "quota", kể cả trong lĩnh vực nhập khẩu phim cũng không phải là giải pháp lâu dài. Điện ảnh cũng như các ngành kinh tế khác, đều phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh của mình thông qua chất lượng của sản phẩm.
- Xin chân thành cảm ơn ông!