Bài cuối: Cà phê - Di sản văn hóa

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 10/02/2014

(HNM) - Không biết từ bao giờ, thức uống pha chế từ những hạt nhỏ bé màu nâu cánh gián lại mê hoặc cả thế giới đến vậy. Thưởng thức cà phê theo phong cách riêng của mỗi quốc gia là đến gần hơn văn hóa đất nước đó.

Tượng nhà văn Altenberg bằng giấy bồi (ngồi bên phải) trong quán Cafe Central tại trung tâm thủ đô Vienna.


Văn hóa cà phê Vienna được hình thành từ tính cách con người Áo: gần gũi nhưng không vồn vã, nhất là trong lần gặp đầu tiên, nhiệt tình nhưng vẫn đúng mực, hiện đại nhưng không ồn ào. Như Paris, đường phố Vienna tràn ngập các nhà hàng cà phê, dù là các quán sang trọng trong nhà hay trên vỉa hè đều có rất nhiều người tụ tập và chuyện trò sôi nổi. Đây là một trong những truyền thống văn hóa độc đáo khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, văn hóa cà phê ở Vienna không chỉ là nơi gặp gỡ bạn bè, người quen, nơi hẹn hò của những cặp tình nhân mà còn là nơi để người ta tận hưởng một phong cách sống thi vị. Phong cách cà phê Vienna thể hiện ở nghệ thuật trang trí không gian, nội thất: kiểu cách và lãng mạn, sang trọng và lịch lãm toát lên từ tấm khăn trải bàn tinh tế, từ chiếc thìa chạm trổ cầu kỳ, từ cái tách đặt ngay ngắn trên những chiếc đĩa bạc, từ nghệ thuật kẹp tờ báo gọn gàng trong chiếc kẹp gỗ xinh xắn, treo lên giá hoặc trao tận tay khách. Bước vào quán cà phê ta như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác. Đón khách là người bồi bàn ăn mặc trang trọng. Nhà hàng thường tọa lạc ở những ngôi nhà cổ lịch sự, phòng ốc được trang trí cầu kỳ, không khí ấm cúng không ồn ào xô bồ, thực khách nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Các quán cà phê ở đây được ví như những phòng khách công cộng, nơi bạn có thể làm bất cứ điều gì mình thích: nghỉ ngơi, thư giãn, đọc báo, quan sát những người xung quanh hoặc đắm chìm trong suy tư riêng... Vì vậy, nhiều người coi quán ruột của mình là ngôi nhà thứ hai.

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều quán cà phê ở Vienna là nơi lui tới của giới văn nghệ sĩ, nhà khoa học và chính trị gia. Nhiều nhà văn đã sáng tác ngay trong quán cà phê, tạo nên dòng văn học mà ngày nay người ta gọi là dòng "văn học cà phê" và của những "nhà văn quán cà phê". Trong quán Central nổi tiếng ở quận 1 có bức tượng nhà văn Áo Peter Altenberg bằng giấy bồi hệt như thật. Altenberg có lẽ là nhà văn độc nhất thế giới khi ông khai địa chỉ cư ngụ chính thức của mình là địa chỉ của nhà hàng cà phê Central, ngoài ra ông còn là một nhân vật nổi tiếng trong thành phố với nhiều giai thoại ly kỳ. Ông sống như một người Bôhêmiêng ở quán cà phê này. Lấy cảm hứng bởi những ấn tượng ngắn, những cuộc gặp gỡ thoáng qua và những cuộc hội thoại vô tình nghe lỏm, Altenberg đã viết các truyện ngắn như một "nhà văn cơ hội". Những truyện ngắn của ông có giá trị như những nghiên cứu ấn tượng về cuộc sống và xã hội Vienna lúc bấy giờ. Văn chương của ông được đánh giá như những bản "phác thảo văn xuôi" miêu tả những lát cắt, là "một nét vẽ văn học" cung cấp một bức tranh toàn diện về cuộc sống với vai trò của người quan sát.

Nhật báo giúp khách cập nhật tin tức tại các Kaffeehouse ở Vienna.


Các quán cà phê - "phòng khách công cộng" được dân Vienna âu yếm gọi là "Wiener Kaffeehauser" (Ngôi nhà cà phê). Những địa chỉ này phổ biến tới mức người ta nói rằng "Vienna mà không có Kaffeehauser giống như nhà hát mà không có nhạc". Bạn chỉ cần gọi một tách cà phê và một phần bánh ngọt là có thể thoải mái ngồi nhâm nhi, đọc báo, tâm sự, thảo luận công việc hàng giờ, thậm chí cả ngày mà không bị bất cứ ai làm phiền. Tất cả Kaffeehauser ở Vienna đều có một không gian thanh lịch, thực khách đã bước vào đây thì mọi lo toan của cuộc sống xô bồ, bon chen dường như đã bị chặn ngay ở ngưỡng cửa để nhường chỗ cho một lối sống chậm rãi. "Người ta vào đây không chỉ để uống cà phê mà còn nhấm nháp thời gian và không gian của nó", một người bạn Việt sống nhiều năm ở Vienna hóm hỉnh nhận xét.

Kaffeehauser có kiến trúc theo phong cách cổ điển, duyên dáng với những hàng cột bằng đá cẩm thạch, tường chạm trổ công phu, trần nhà thiết kế cong theo kiểu mái vòm được trang trí bởi những các bức bích họa tuyệt đẹp. Căn phòng có rất nhiều cửa sổ cỡ lớn nhìn ra các con phố xung quanh lấy ánh sáng tự nhiên nhưng vẫn có những chùm đèn pha lê lộng lẫy có tuổi đời hàng trăm năm tạo không gian ấm cúng. Vân đá trên những mặt bàn làm từ đá hoa cương "ton sur ton" tuyệt vời, với nét hoa văn của những chiếc ghế bọc đệm đỏ sẫm ánh cam. Hương thơm ngầy ngậy, ngọt ngào và quyến rũ của cà phê quyện chocolate, thuốc lá và nước hoa trong không gian xưa cũ ấy đã được người Vienna gìn giữ và bảo tồn suốt ba thế kỷ.

Tách cà phê phục vụ khách đúng điệu theo phong cách Vienna.


Cà phê mang cho khách luôn kèm theo một cốc nước lọc, trên tách cà phê có một chiếc thìa con đặt úp, đôi khi chủ quán còn tinh tế tặng thêm một tờ nhật báo để khách vừa thưởng thức cà phê vừa cập nhật thông tin, ở đây có đến 250 tờ báo bằng 22 thứ tiếng. Và để tế nhị nhắc khách hàng khỏi quên những cuộc hẹn riêng tư hay công việc quan trọng, trong bất cứ Kaffeehauser nào cũng treo một chiếc đồng hồ cỡ lớn ở nơi dễ nhìn.

Người Vienna vào quán thì chỉ cần đơn giản kêu một tách "Melange" hay "Kleiner Brauner" là đã có thứ họ muốn. Nhưng du khách lần đầu đến đây có thể bối rối với cái menu dài ngoằng, vì Vienna nổi tiếng có nhiều loại cà phê ngon nhất thế giới. Ngoài "Einspanner", đặc sản của Vienna, là tách cà phê lớn, có kem sữa và đường mịn như bột được rắc lên trên thì những cái tên như: "Kleiner Brauner" (Expresso pha sữa), "Melange" (Cappucino có sữa đánh nổi bọt) hoặc "Franziskaner" (chính là Melange nhưng thêm creme đánh nổi bọt và rắc sô cô la hạt lên trên) cũng ngon tuyệt.

Bánh Sôcôla Sacher Torte, biểu tượng của ẩm thực nước Áo.


Thông thường dân Châu Âu khi uống cà phê thường ăn kèm với bánh ngọt. Bánh ngọt của Vienna là một sự hấp dẫn không thể chối từ. Thưởng thức cà phê Vienna mà bỏ qua bánh ngọt SacherTorte, Apeltrudel, Gugelhupf, Linzer Torte hay bánh Esterházy-Torte… là một thiếu sót. SacherTorte là món bánh quốc hồn, quốc túy và được coi là biểu tượng ẩm thực của nước Áo và là một trong những loại bánh chocolate được ưa chuộng nhất thế giới. SacherTorte có hẳn một ngày kỷ niệm của riêng mình - Ngày Bánh SacherTorte vào mùng 5 tháng 11 hằng năm.

Bánh SacherTorte gồm hai lớp bánh torte làm từ chocolate nấu chảy cùng bơ, trứng gà và đôi khi được trộn với hạt nhục đậu khấu, việt quất hoặc hạnh nhân khiến cho kết cấu lẫn hương vị của bánh đặc quánh và đậm đà. Điểm khiến cho SacherTorte trở nên đặc biệt so với tất cả các loại bánh chocolate khác là lớp mứt mơ giữa hai tầng bánh với công thức được bảo mật tuyệt đối bởi thương hiệu Sacher. Hương mơ thoang thoảng cùng vị chua chua thanh mát tinh tế giữa hai cốt bánh quánh ẩm và mịn màng, thơm mùi chocolate hảo hạng. Lớp vỏ ganache chocolate ngoài cùng (một loại chocolate đông cứng như kẹo, dùng để phủ lên mặt bánh mềm) là kết thúc hoàn hảo cho cuộc phiêu lưu của vị giác mà SacherTorte đem đến cho người thưởng thức. Bánh torte đại diện cho tính quý tộc và trang nhã của ẩm thực Châu Âu, do đó thường có kích cỡ nhỏ nhắn và trang trí đầy nghệ thuật. SacherTorte trông đơn giản mà vô cùng tinh tế, tao nhã. Không sử dụng kỹ thuật trang trí như bắt kem hay fondant như các loại bánh ngọt khác, SacherTorte quyến rũ bằng chiếc áo nâu đen bóng loáng mịn màng với hương chocolate đậm đà, trên mặt bánh là những đóa hoa bằng kẹo hay lớp men chocolate hoặc đường mật vừa óng ánh vừa ngọt ngào.

Quán cà phê huyền thoại Hawelka.


Điểm khác biệt lớn nhất của các "ngôi nhà cà phê" Vienna với phần còn lại của thế giới là đội ngũ phục vụ toàn là nam nổi tiếng sang trọng nhưng không "chảnh" với khách bao giờ. Họ là những nhân viên được đào tạo rất bài bản, quy củ và chuyên nghiệp. Họ làm việc chính thức chứ không nhận phục vụ bán thời gian, không thể tìm được một bồi bàn là sinh viên đi làm thêm ở đây. Vì vậy, mỗi chàng phục vụ ở đây đều rất tinh tế, có thể đoán được nhu cầu của bạn trước khi bạn yêu cầu.

Vậy mà không phải không có những lúc "ngôi nhà cà phê" rơi vào tình trạng khó khăn, trong những năm 1950 là thời kỳ Kaffeehauser "ngắc ngoải", hàng loạt quán phải đóng cửa bởi sự bùng nổ của vô tuyến truyền hình và loại hình cà phê nhanh khiến nhiều người quay lưng lại với cà phê chậm này. Nhưng may mắn thay, chính quyền và những người dân Vienna yêu truyền thống đã níu giữ thành công nét văn hóa đặc biệt trước khi nó được khôi phục và trở thành Di sản văn hóa thế giới. Kaffeehauser không khác gì một câu lạc bộ văn hóa công cộng mà người Vienna tự nguyện tìm đến và đăng ký một suất "thành viên dài hạn". Những "ngôi nhà cà phê" lâu đời và danh tiếng nhất Vienna có thể kể đến là Café Central (1876), nơi hội ngộ giữa hai nhà cách mạng Lenin và Trotsky, chốn ưa thích của thiên tài Mozart hay quán Griensteindl, còn được gọi là "Cà phê hoang tưởng", nơi lui tới của giới nghệ sĩ đương đại Áo, ngoài ra các quán Café Jelinek, Café Drechsler hay Café am Heumarkt cũng rất có tiếng.

Tuy nhiên, đứng đầu các quán cà phê huyền thoại của Vienna vẫn là Hawelka. Năm 1958, nhà thơ, nhà văn H.Artmann đã gọi cái quán tối tăm đầy khói thuốc lá trong ngõ Dorotheergasse ở quận 1 này là "quán cà phê đẹp nhất". Lúc đó, Hawelka đã gần 20 năm tuổi và được nhiều văn nghệ sĩ ưa thích vì chưa từng sửa chữa lần nào. Và đến tận ngày nay, tất cả vẫn như xưa với băng ghế đỏ, bàn đá hoa cương, khay mạ nickel... Bà Josefine Hawelka có cách sắp xếp chỗ ngồi cho khách rất khéo léo để nhiều con tim cô đơn đã tìm thấy nhau. Bà đã cùng chồng là Leopold Hawelka dẫn dắt quán cà phê suốt 66 năm trời, lúc bà qua đời năm 2005, các tờ báo tại Vienna đều đồng loạt đăng tin này trên trang nhất: "Một phần lịch sử văn hóa Vienna đã mất". Hiện nay, ông chủ quán Leopold vẫn ngồi chào khách ngay tại lối ra vào, dù ông đã gần 100 tuổi.

Thưởng thức tách cà phê Melange thơm nồng cuối cùng trước khi lên đường, lắng nghe những bản nhạc cổ điển yêu thích, tôi chợt hiểu vì sao văn hóa cà phê nơi đây đã trở thành di sản của nhân loại và vì sao người ta xếp Vienna là thành phố đáng sống nhất hành tinh. Lưu luyến rời thủ đô của âm nhạc, thành phố của các vĩ nhân nhưng kỷ niệm về thành phố này tôi sẽ còn mang theo suốt cuộc đời. Tạm biệt Vienna, tạm biệt thôi nhé, tạm biệt!

Nguyệt Thơ