"Nút thắt" của tinh giản biên chế: Xác định vị trí việc làm

Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 10/02/2014

(HNM) - Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến đóng góp.

Trong dự thảo nghị định này đã có nhiều điểm đổi mới và trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đưa ra chỉ tiêu cụ thể: Trong vòng 6 năm (từ 2014-2020) sẽ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người (khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc). Mục tiêu này có khả thi không khi những vướng mắc làm hạn chế hiệu quả tinh giản biên chế thời gian qua vẫn chưa tháo gỡ xong?

Mục tiêu quan trọng của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Bảo Kha


Làm rõ số lượng, đối tượng tinh giản

Dự thảo Nghị định Chính sách tinh giản biên chế này cơ bản khắc phục được những hạn chế khi đưa ra cụ thể số lượng và đối tượng cần tinh giản chứ không chung chung như Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung quy định về các trường hợp cần tinh giản như: Những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác; những người có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá, xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Quy định như vậy nhằm mục đích sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo đúng ngành nghề đào tạo, đồng thời, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp có năng lực yếu qua việc phân loại, đánh giá hằng năm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Quy định về đối tượng tinh giản biên chế do sức khỏe yếu nêu rõ: "Những người trong 2 năm liên tiếp gần thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số từ 30 ngày nghỉ làm việc trở lên do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau do quy định hiện hành". Quy định như vậy phù hợp hơn so với quy định đánh giá những đối tượng này tại Nghị định 132. Bởi những người ốm đau thường được cơ quan, tổ chức ít giao việc nên đánh giá họ không hoàn thành nhiệm vụ là không thỏa đáng.

Các đối tượng tinh giản biên chế, nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, thì ngoài hưởng chế độ hưu trí, không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Họ còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH (từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương). Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ các chế độ ưu đãi đối với các đối tượng tinh giản biên chế thuộc các lứa tuổi khác. Đồng thời, các CBCCVC thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước cũng được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định.

Không để tinh giản nhầm đối tượng

Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ, dự kiến sau 6 năm (từ 2014-2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Theo lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến mức lương tối thiểu sẽ tăng hằng năm, do vậy dự kiến phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số CBCCVC trong 6 năm khoảng 8.000 tỷ đồng.

Góp ý vào dự thảo Nghị định tinh giản biên chế, nhiều chuyên gia nhận định: Dự thảo Nghị định cơ bản đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định 132/2007/NĐ-CP, có sửa đổi, bổ sung thêm những quy định cho phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để không tinh giản "nhầm" đối tượng thì phải thực hiện bằng được việc cơ cấu lại đội ngũ CBCC theo vị trí việc làm rồi mới thực hiện tinh giản biên chế. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh: "Điều quan trọng là từng cơ quan phải rà soát, đánh giá chức năng nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở đó xác định số người cần có để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như xác định được chỉ tiêu cần tinh giản".

Đến thời điểm hiện nay, một số bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc xác định vị trí việc làm. Bộ Nội vụ cũng đang tích cực hỗ trợ các bộ, địa phương còn lại triển khai việc này. Thành phố Hà Nội đã xác định được vị trí việc làm của 4 đơn vị: Sở Nội vụ, Sở TN&MT, UBND quận Long Biên và UBND huyện Đan Phượng. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết: "Việc xác định được vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức là căn cứ để xác định biên chế và bố trí công chức đủ về số lượng, đạt về chất lượng nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính, đồng thời là cơ sở để quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển, đánh giá, nhận xét công chức hằng năm. Hà Nội đang tiếp tục triển khai để sớm hoàn thành đề án, bảo đảm tiến độ áp dụng tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện, thị xã".

Như vậy, cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, "nút thắt" cơ bản nhất là việc xác định vị trí việc làm đã đang được tháo gỡ để có cơ sở xác định biên chế, đánh giá cán bộ. Bộ Nội vụ sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đóng góp bằng văn bản vào dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế đến ngày 20-2; lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức đến hết ngày 24-3 để nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ ban hành. Hơn lúc nào hết, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tâm huyết đóng góp ý kiến xây dựng nghị định, vì mục tiêu chung: Xây dựng một nền công vụ "Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả".

* Anh Lê Việt Trung, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai: Hiện nay, vị trí việc làm của nhiều công chức trong tình trạng chưa đúng so với ngành nghề, bằng cấp được đào tạo. Ngoài ra, "vấn nạn" chạy chức, chạy quyền, chạy việc cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều công chức, viên chức "ngồi" không đúng chỗ. Việc xét đối tượng tinh giản biên chế thông qua công tác tổ chức, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị… cần dựa trên cơ sở các tiêu chí, chuẩn mực cụ thể và phải được thực hiện một cách công khai, dân chủ.

* Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Đông Quang, huyện Ba Vì: Chính phủ công bố Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, nhấn mạnh trong 6 năm (2014-2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế khiến sinh viên mới ra trường như chúng tôi càng thêm lo lắng. Theo tôi, việc tinh giản biên chế là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, cùng với việc tinh giản biên chế thì các bộ, ngành, địa phương… cũng cần có kế hoạch tuyển dụng thêm công chức, viên chức mới có năng lực, trình độ chuyên môn vào làm việc, tạo điều kiện để họ được cống hiến.

* Anh Đỗ Văn Hưng, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai: Theo tôi, để xây dựng một đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương… cần nghiên cứu nhằm đổi mới công tác tuyển dụng biên chế, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những hành vi chạy công chức, chạy chức, chạy quyền, chứ không nên chỉ tính đến việc tinh giản biên chế như hiện nay.

* Ông Ngô Mạnh Doanh, phường Phú La, quận Hà Đông: Tôi rất băn khoăn liệu việc thực hiện tinh giản biên chế có thu được hiệu quả khi Dự thảo Nghị định mới chỉ đưa ra con số cụ thể cho nỗ lực giảm số lượng công chức, nhưng lại bỏ ngỏ vấn đề tuyển đầu vào. Dự thảo cũng chưa đề cập giải pháp bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan, đơn vị sau tinh giản biên chế. Hơn nữa, thời gian triển khai thực hiện có kịp đáp ứng mục tiêu đưa ra khỏi bộ máy 100.000 cán bộ thuộc diện "sáng cắp ô đi…"?

Dương - Hằnglược ghi

Phong Thu