Nghĩ cho hết nhẽ về “chuyện nóng” ở Thủ đô những ngày Tết

Xã hội - Ngày đăng : 05:51, 10/02/2014

(HNM) - Người Việt ta có câu "tống cựu nghênh tân", không chiết tự thì ai cũng hiểu điều đó có ý nghĩa gì. Tết Nguyên đán, ngày hội lớn nhất, ý nghĩa nhất của toàn dân. Tập quán nghìn xưa để lại, phong tục truyền đời, nào khai bút, hái lộc, khai canh, du xuân, mừng thọ, nào "Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy". Tết đến, nhà nhà quét dọn cửa nhà, xóm giềng chăm lo dọn dẹp đình chùa, người người sắm sanh áo mới, tỉnh, huyện sửa sang công đường, phố xá. Ai cũng muốn làm đẹp, đâu cũng muốn trang hoàng, mong dẹp bỏ rác rưởi muộn phiền.

Tục xưa truyền lại, giờ vẫn được tiếp nối. Năm nay, Hà Nội lo làm đẹp phường phố, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, hỗ trợ người khó khăn có một cái Tết vui, thực hiện chính sách với người có công..., không mục đích gì khác ngoài hướng đến một mùa xuân vui vẻ, an toàn cho cộng đồng.

Tinh thần chung là tiết kiệm, chi cho việc cần, giảm thiểu những khoản chi vô bổ. Khắp nơi trên cả nước, ở đâu cũng là cảnh tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền sao cho thật đàng hoàng. Thừa Thiên Huế tổ chức hội hoa xuân, đêm nghệ thuật Giao thừa hoành tráng với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới" ở Ngọ Môn, bắn pháo hoa. Đà Nẵng tổ chức đường hoa ven sông Hàn, những đường phố chính lộng lẫy nhờ hệ thống chiếu sáng hiện đại. TP Hồ Chí Minh lung linh từ ngày tiễn ông Công ông Táo đến hết tuần đầu năm mới Giáp Ngọ, rực rỡ lễ hội đường sách, đường hoa… Nhìn rộng ra thế giới, Tết ở phương Đông khác với phương Tây, phong tục mỗi nơi một khác, nhưng không nơi nào từ bỏ thói quen trang hoàng trong ngày đáng nhớ nhất trong năm. Càng là thành phố lớn, nhất là Thủ đô, sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng bởi việc đó không chỉ nhằm giúp thành phố đẹp hơn, giúp người dân vui hơn, mà còn nhằm quảng bá cho danh tiếng của địa phương mình, giữ gìn thể diện quốc gia, mời gọi du khách cùng khám phá điểm đến. Năm mới 2014, hầu hết thành phố lớn ở Trung Quốc đều tổ chức bắn pháo hoa hoành tráng. Tại Australia, hàng chục nghìn quả pháo hoa thắp sáng bầu trời Sydney trong thời khắc chuyển giao năm cũ. Tại Dubai, người ta đã nói tới một bữa tiệc ánh sáng trải dài hàng chục kilômét, được thắp bởi hàng trăm nghìn quả pháo hoa… Vui như Tết, đẹp đẽ như Tết, đâu phải ước muốn của riêng ai.

Hà Nội luôn đặc biệt trong mắt mọi người, một chuyển động nhỏ cũng được nhiều người chú ý, cả điều hay, sự dở, ngay cả những điều tưởng chừng rất đỗi bình thường cũng được dư luận "lật đi lật lại", xét nét hơn mức bình thường. Tết năm nay, bên dòng thông tin đong đầy cảm xúc về một Thủ đô thanh bình mến khách, một phong cách vào xuân riêng có tự thuở nào, đây đó trên báo chí vẫn còn lời ì xèo về "chuyện nóng" ở Hà Nội: Cái Tết "mang màu sắc thị trường". Có những bài viết về Hà Nội rằng: Hàng ăn đầu năm đua nhau chặt chém, giá rau xanh đua nhau phi mã, loạn giá vé gửi xe ngày Tết, rửa ô tô chiều Tất niên 200.000 đồng/xe... Có người lại đặt câu hỏi về việc chính quyền thành phố lo trang hoàng Hà Nội, làm đẹp phố phường cho muôn người hưởng niềm vui xuân mới, rằng chi tiền tỷ cho việc ấy liệu có là lãng phí hay không… Những điều được nói ra đó với thái độ quá xét nét đâu có bao hàm được những cái hay, cái đẹp toàn thể ở Thủ đô trong dịp xuân này? Về bản chất, những bài viết đó chỉ lẩy chi tiết, lấy chi tiết để cho là cái chung, vô hình hoặc cố ý áp đặt một quan niệm không thể chấp nhận.

Lời ra không cẩn thận, vô ý sơ sảy có khi gieo ý tứ không công bằng. Nói rằng "ở Hà Nội, phố X, nhà Y bán quà sáng chặt chém khách" nó khác một trời một vực với khi viết "Hàng ăn Hà Nội đua nhau chặt chém". Kể một, hai, ba địa chỉ có lối kinh doanh tùy tiện, chụp giật, có khi "ghi tên phố mà không số nhà", tên người viết tắt rồi đặt câu hỏi "người Hà Nội có còn thanh lịch?", liệu có phải là lấy chi tiết khỏa

lấp nền tảng hay không? Như Tết này, ngày mồng Hai, ở phố Đường Thành có chủ hàng bán bún bò với giá 50.000 đồng/bát, nhưng trên đường Cầu Giấy, cửa hàng bánh Pizza vẫn giữ giá ngày thường. Biết bao hàng quà trên phố, từ trung tâm ra tới ngoại ô, từ Cầu Gỗ, Nhà Chung, Cửa Nam ra Lò Đúc, Cầu Giấy, Hà Đông... không tăng giá dù mở hàng trong những ngày đầu năm mới. Giá giữ xe ở khu vực trung tâm quả đã bị đẩy lên khá nhiều nhưng ở nhiều nơi khác, từ trung tâm mua sắm đến khu tập thể, chợ, chẳng phải vẫn giữ mức giá 3.000-5.000 đồng/xe máy hay sao?...

Năm nay, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để chăm lo đời sống của người dân, từng bước tạo dựng một Hà Nội - Thủ đô xứng đáng với truyền thống "ngàn năm văn hiến", người người thanh lịch, văn minh. Bước chuyển đến trong thời hội nhập, giữa bộn bề lo toan gấp gáp nên nếu chỉ nhìn hiện tượng, chuyên chú tìm "mặt trái" thì nhiều khi không dễ thấy ngay mặt tích cực của vấn đề. Như năm nay, giá thị trường tương đối ổn định trong dịp Tết - điều rất khó thấy trong nhiều năm trước. Thực phẩm tăng giá nhẹ sau Tết, đa số mau chóng trở lại bình thường sau đợt nghỉ dài ngày.

Thị trường vận hành theo quy luật, dựa trên cung - cầu, có người mua mới có người bán. Nói là quy luật, nói là có mối quan hệ chặt chẽ giữa giá cả và giá trị nhưng sự bất biến thì không. Ngày xuân hỉ xả, người người vui vẻ rộng lượng, ai nấy mong mỏi "bán rủi, mua may", mấy điều ấy gặp nhau trong tiết xuân phơi phới, chi phối người ta. Người mua dễ dàng móc hầu bao cho một món hàng có giá cao hơn bình thường chút đỉnh. Người bán, nhọc công bỏ gia đình ấm cúng ra đường mưu sinh, nhân ba ngày Tết kiếm thêm chút tiền về lo cho con cái. Dân gian có câu "Mồng Một chơi cửa chơi nhà, mồng Hai chơi xóm, mồng Ba chơi đình". Xuân về, người người đi lễ cầu may, có người mong ước thành tâm và cũng có người rõ ý "buôn thần bán thánh". Thần phật của chung, lộc lợi của riêng, tha hồ vãi tiền nơi đình chùa miếu mạo mà không mảy may chớp mắt. Lại cũng có câu "Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo", "Về nhà công nợ nó đòi/Mà lòng bối rối đứng ngồi không yên". Có người rộng rãi cửa nhà, việc lớn hanh thông, gia cảnh khấm khá, nhưng vẫn còn bao người Tết đến mà vẫn ngổn ngang tâm sự, mải miết lo toan, bao người "ăn Tết muộn". Gánh bún riêu cua nhỏ bé là phương tiện mưu sinh của bao người còn đang trong cảnh khó khăn. Bởi thế, "đánh" kẻ trục lợi thô thiển chứ đừng kéo cả người lao động chân chính vào một "rọ". Cứ ngẫm xem, ngộ nhỡ không ai bỏ chơi Tết để bán riêu cua nhiều rau sống, lấy gì cho bao người đủ đầy "giải ngán" sau ba ngày Tết ê hề các món ăn đầy chất đạm?

Một mùa xuân mới lại về, theo quy luật vận hành của đất trời. Xuân Giáp Ngọ, mùa của lễ hội, mùa của những ước vọng tâm linh sáng đẹp đâm chồi, là dịp để mọi người Việt Nam thể hiện tấm lòng tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội, nguyện làm điều thiện. Tết Nguyên đán ở Hà Nội, như bao đời nay đã vậy, là lễ hội của mọi nhà, luôn rực sáng giá trị nhân văn, bao hàm những nghi lễ, tập quán truyền thống tốt đẹp. Xuân Giáp Ngọ này, Hà Nội thay áo mới. Gác lại những phiền muộn trong một năm khó khăn, Hà Nội đón xuân mới với một phong cách riêng. Không ồn ào, náo nhiệt, không phô trương màu mè, đẹp giản dị như vẫn thấy bao năm qua, đĩnh đạc trong tư thế của một Thủ đô - trái tim của cả nước.

Trong bối cảnh ấy, "chuyện nóng" trong những ngày Tết ở Hà Nội, nên hiểu nên nói thế nào cho rõ nghĩa xây dựng, chứ đừng đố kỵ mà phủ nhận sạch trơn nỗ lực trong suốt thời gian qua của hàng triệu người, không làm ảnh hưởng đến chí hướng vươn lên của cả một thành phố - Thủ đô có bề dày truyền thống văn hóa đáng ngưỡng mộ. Năm mới cũng nên nhìn mọi vấn đề của Thủ đô một cách công bằng, cởi mở và nhân văn hơn!

Anh Vũ