Hướng về cội nguồn

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:29, 09/02/2014

(HNM) - Là thế hệ thứ hai được sinh ra và lớn lên trên đất nước Thái Lan, ông Phan Văn Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Thai Indochina Trading cũng như nhiều doanh nhân Việt kiều thành đạt khác luôn mong muốn góp phần phát triển quê hương.

Ông Phan Văn Vượng.


- Ông có thể cho biết những hoạt động kinh doanh nổi bật của Thai Indochina Trading trong những năm gần đây?

- Công ty của chúng tôi được thành lập sau đại hội Hiệp hội doanh nghiệp Thái - Việt cách đây khoảng 10 năm, tập hợp doanh nhân Việt kiều ở nhiều tỉnh để tăng cường hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, du lịch hay xuất nhập khẩu những mặt hàng cần thiết từ Việt Nam sang Thái Lan. Cách đây ít ngày, trước khi về Hà Nội, tôi cùng một số doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan thực hiện một chuyến thăm dò thị trường ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là những tỉnh có địa lý tương đồng vùng Đông bắc Thái Lan, thuận lợi cho giao thương. Đặc biệt, ở Hà Tĩnh có cảng nước sâu Vũng Áng thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa đi nước ngoài. Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ sớm tìm được đối tác để phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

- Trong thời gian qua, khủng hoảng kinh tế đã tác động không nhỏ tới nhiều khu vực trên thế giới. Vậy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan thế nào, thưa ông?

- Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chỉ bị ảnh hưởng vừa phải chứ không chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cũng hạn chế mở rộng đầu tư lớn, chủ yếu cơ cấu lại và tập trung vốn chờ qua giai đoạn khủng hoảng.

- Ông có thể chia sẻ những thay đổi trong đời sống của bà con người Việt tại Thái Lan những năm gần đây?

- Những năm gần đây, vị thế của Việt Nam ngày càng được tăng cường trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Nhìn chung, cuộc sống của bà con mỗi ngày một đi lên. Đặc biệt, trong lớp con em Việt Nam ở Thái Lan không thiếu anh tài, số lượng tốt nghiệp đại học và trên đại học rất nhiều. Với sự thông minh, cần cù, tiết kiệm, người Việt đã tham gia các lĩnh vực kinh doanh, làm chủ các doanh nghiệp. Một số có địa vị xã hội cao, nhất là ở các tỉnh Đông bắc Thái Lan. Sự đóng góp của cộng đồng người Việt vào quá trình phát triển các địa phương đã được nhà chức trách nước sở tại đánh giá cao.

- Tình cảm của bà con người Việt đối với quê hương ở thế hệ thứ hai, thứ ba có nhiều khác biệt so với thế hệ thứ nhất không, thưa ông?

- Tôi là thế hệ thứ hai được sinh ra và lớn lên trên đất nước Thái Lan. Từ bé, mặc dù cuộc sống còn nghèo nhưng mỗi độ xuân về, chúng tôi đều được ông bà, cha mẹ, người thân tổ chức Tết cổ truyền Việt Nam với bánh chưng, câu đối đỏ, đặc biệt là giây phút được nghe lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu. Chính từ sự thân quen đó đã tạo dựng cho chúng tôi ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, biết yêu quê cha, đất tổ, biết quý trọng thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục thế hệ con cháu gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này. Tuy nhiên, việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ trong con em người Việt tại Thái Lan thế hệ sau đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và nhân lực. Chúng tôi đang tính mở trường lớp dạy tiếng Việt cho các cháu, từ đó mới có thể giáo dục truyền đạt để thế hệ sau có thể thấm sâu được phong tục tập quán, lòng yêu nước, yêu quê hương, hướng về cội nguồn.

- Thời gian qua, chính trường Thái Lan liên tục có nhiều biến động, liệu điều đó có ảnh hưởng tới cuộc sống của bà con người Việt không?

- Đa số người Việt ở Thái Lan sinh sống ở khu vực Đông bắc nên không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, bà con bên đó cũng thường nhắc nhở nhau tập trung vào công việc của mình, góp phần xây dựng địa phương nơi mình sinh sống, hòa nhập với người dân địa phương và không tham gia vào các hoạt động biểu tình.

- Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi