Thường xuyên chậm vì thiếu cơ chế phối hợp
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 08/02/2014
Theo quy định của Luật LLTP, cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng và quản lý tại Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Thực tế, tại hầu hết địa phương hiện nay, việc tra cứu, xác minh làm cơ sở cấp phiếu LLTP cho người có yêu cầu là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, các trường hợp có tiền án, tiền sự… thường xuyên không đúng hẹn. Nguyên nhân chủ yếu do cơ quan CA cấp huyện (bộ phận thi hành án và hỗ trợ tư pháp) thực hiện việc cung cấp các thông tin liên quan đến LLTP như: Giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, án phạt cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, quản chế, tước một số quyền công dân cho các Sở Tư pháp chậm. Mới đây nhất, tại TP Hồ Chí Minh, đã có trường hợp người dân bức xúc, khiếu nại và chính quyền phải xin lỗi…
Tập huấn sử dụng phần mềm quản lý lý lịch tư pháp cho cán bộ Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. |
Giải thích về nguyên nhân chậm trễ, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53), Bộ CA cho biết, quy định về thời hạn cấp phiếu LLTP trong Luật LLTP hiện hành khó thực hiện. Bởi quá trình điều tra các vụ án hình sự, việc cung cấp thông tin LLTP của người phạm tội liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau. Trường hợp phát hiện người đứng tên xin cấp phiếu LLTP đang bị truy nã; bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, đối tượng thuộc diện cấm nhập cảnh, cấm xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, sẽ phải xác minh, thẩm định kỹ để bảo đảm tính chính xác trước khi thông báo cho Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, không ít trường hợp yêu cầu cấp phiếu LLTP nhưng qua xác minh, tra cứu của cơ quan CA thì phát hiện không trùng với thông tin do người xin cấp phiếu LLTP tự khai hoặc đối tượng có lý lịch không rõ ràng… Với những khó khăn nêu trên, Bộ Tư pháp nên nghiên cứu báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật LLTP theo hướng kéo dài thời hạn cấp phiếu LLTP cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Là cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, TAND Tối cao có quan điểm khác. Cơ quan này cho rằng, nếu tiếp tục duy trì mô hình hai cấp quản lý nhà nước về LLTP sẽ dẫn đến tình trạng mất nhiều thời gian và chi phí trong việc trao đổi thông tin giữa cấp trung ương và địa phương cũng như việc cấp phiếu LLTP cho công dân và tổ chức. Chưa kể còn có thể ảnh hưởng đến tính bảo mật của thông tin. Mặt khác, hiện nay Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn có những quy định không thống nhất nên khi thực hiện ngành chức năng rất khó xử lý. Điển hình như theo Luật LLTP thì tòa án cần gửi cho Sở Tư pháp trích lục bản án hình sự, trong khi đó theo Thông tư liên tịch số 04 (hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP) thì tòa án có thể gửi cho Sở Tư pháp bản án hình sự. Từ điểm mâu thuẫn trên, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, có nơi không nhận bản án do tòa án đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm gửi, mà chỉ nhận trích lục bản án. Trong khi đó, tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền trích lục bản án hình sự phúc thẩm mà chỉ có thể gửi bản sao y bản chính bản án phúc thẩm. Chưa kể, có thời điểm, chính cơ quan đầu mối xử lý thông tin cũng chưa làm tròn trách nhiệm.
Để tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong cung cấp phiếu LLTP, nên chăng Bộ Tư pháp cần chủ trì xây dựng lại quy chế phối hợp về việc rà soát, thu thập, xác minh, tra cứu, cung cấp thông tin LLTP cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Đặng Thanh Sơn: Dù việc cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP là nhiệm vụ mới của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, công an, quân đội, thi hành án dân sự…, song phần lớn bộ phận này đều kiêm nhiệm. Đáng chú ý, mô hình cơ sở dữ liệu LLTP hai cấp tại Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đã bộc lộ bất cập, khó bảo đảm yêu cầu về tính cập nhật, chính xác và đồng bộ của dữ liệu thông tin.