Bơi lội Việt Nam: Quyết giành huy chương tại ASIAD 17

Thể thao - Ngày đăng : 06:50, 06/02/2014

(HNM) - Với việc giành 5 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ tại SEA Games 27 - Myanmar - 2013, Bơi lội Việt Nam đã có một năm thi đấu hết sức thành công, khẳng định vị thế trong tốp đầu khu vực. Năm 2014, Bơi Việt Nam sẽ phải tập trung cho mục tiêu giành huy chương tại ASIAD 17 - Incheon - 2014.


- Ông có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Bơi Việt Nam trong năm 2014? Thứ tự ưu tiên cho các nhiệm vụ đó như thế nào?

- Hai nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bơi Việt Nam trong năm 2014 là thi đấu thành công tại ASIAD 17 - Incheon - 2014 và Olympic trẻ thế giới. Bên cạnh đó là một số mục tiêu khác, như thi đấu thành công tại Giải Vô địch Đông Nam Á lần thứ 2 tại Singapore (tháng 6), Giải Vô địch thế giới ở Qatar vào cuối năm. Mặt khác, chúng tôi còn phải chuẩn bị lực lượng tham dự Beach Games ở Phuket - Thái Lan vào tháng 11.



- Thi đấu thành công tại ASIAD 17 - Incheon - 2014 là mục tiêu quan trọng nhất của môn bơi trong năm 2014. Bộ môn đã hoạch định đường đi nước bước cụ thể ra sao để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được cho là rất khó khăn này?

- Giành huy chương ASIAD là cực kỳ khó, đòi hỏi phải có sự đầu tư đặc biệt, mang tính đột phá. Mục tiêu của Bơi Việt Nam tại ASIAD 17 là có huy chương, hy vọng ấy được đặt vào kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên ở nội dung 200m ngửa. Với việc phá sâu kỷ lục SEA Games tại SEA Games 27 (chỉ số thành tích là 2 phút 14 giây 80), Ánh Viên có nhiều khả năng giành được huy chương tại ASIAD 17 bởi chỉ số chuyên môn khi luyện tập của kình ngư này còn tốt hơn nhiều. Chuẩn bị cho giải này, năm nay Ánh Viên lại có thêm một cái Tết xa nhà. Hiện tại, em đang tập huấn tại Mỹ, tiếp tục theo đuổi chương trình tập huấn đặc biệt cho ASIAD.

Cùng với Ánh Viên, tất cả VĐV đã giành huy chương tại SEA Games 27 vừa qua như Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi đều được đầu tư đến nơi đến chốn. Các em đều được xếp vào danh sách VĐV trọng điểm của TTVN, được hưởng chế độ 400.000 đồng/tiền ăn và 400.000 đồng tiền công mỗi ngày. Việc tập huấn đã trở lại ngay từ những ngày đầu xuân Giáp Ngọ.

- Năm 2014, kinh phí tập huấn và thi đấu là bao nhiêu, phân bổ thế nào, thưa ông?

- Với thành công rất đáng ghi nhận trong thời gian qua, môn bơi nhận được sự tín nhiệm của không chỉ các cấp lãnh đạo, mà của cả các địa phương chủ quản của VĐV. Kinh phí tập huấn và thi đấu của Bơi Việt Nam năm 2014 không kém so với năm ngoái, vào khoảng 200.000 USD. Nhưng, đáng quý hơn là các đơn vị chủ quản rất đồng lòng, sẵn sàng cùng bộ môn và Hiệp hội Bơi lội Việt Nam lo tổ chức tập huấn và thi đấu nước ngoài cho các VĐV. Đó là tín hiệu khả quan.

- Theo ông, Bơi Việt Nam phải làm gì để đương đầu thách thức, có được một năm thi đấu thành công?
- Cùng với nhiệm vụ phấn đấu có huy chương tại ASIAD, Bơi lội Việt Nam còn phải tranh thủ thi đấu thật nhiều giải để có nhiều VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic 2016. Trong khu vực Đông Nam Á, có khoảng 5 giải được tổ chức trong năm 2014, gồm 3 giải tại Singapore, 2 giải tại Malaysia, tất cả đều kết thúc trước tháng 7. Chúng tôi hy vọng Ánh Viên sẽ đạt chuẩn A ở 2-3 nội dung, Bơi Việt Nam có khoảng 10 VĐV có thể tranh chấp mức chuẩn B tham dự Olympic.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Hoa