Bỏ quên vai trò ngành giáo dục ?

Giáo dục - Ngày đăng : 06:43, 06/02/2014

(HNM) - Kết thúc năm 2013, Hà Nội có 900 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 37% tổng số trường trên địa bàn). Để đạt mục tiêu 50-55% số trường đạt chuẩn vào năm 2015, ngành giáo dục phải xây dựng được 100 trường đạt chuẩn mỗi năm.


Đích đã cận kề, song chặng đường trước mắt còn nhiều gian nan khi thực tế triển khai ở nhiều nơi cho thấy vai trò của phía sử dụng - ngành giáo dục - chưa được đề cao. Vì thế, nhiều dự án chuẩn bị bàn giao lại phải điều chỉnh, khiến tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn ở nhiều nơi còn chậm.

Giờ học tìm hiểu về Luật ATGT tại Trường Mầm non Họa mi (quận Ba Đình). Ảnh: Bảo Lâm


Tiến độ không đều

Kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2013 của Hà Nội được lãnh đạo thành phố đánh giá cao với 134 trường đạt chuẩn, vượt 7 trường so với chỉ tiêu kế hoạch (cao nhất từ trước tới nay). Tất cả các cấp học đều vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó cấp THPT vượt chỉ tiêu cao nhất (đạt 129%), cấp THCS (đạt 111%) so với kế hoạch và mầm non (đạt 102%)... Tổng hợp thống kê từ các quận, huyện, thị xã cho thấy, có tới 24/29 đơn vị hoàn thành kế hoạch giao, 50% trong số này hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, điển hình như Từ Liêm đăng ký 3 trường, hoàn thành gấp 3 lần kế hoạch; Hà Đông đăng ký 6 trường, hoàn thành 9 trường, Hoàng Mai đăng ký 1 trường, xây dựng được 3 trường; Long Biên đăng ký 3, thực hiện được 5…

Dù tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố tính đến cuối năm 2013 là 37%, song, tính theo cấp học thì tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn có sự chênh lệch. Trong đó, cấp tiểu học có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất với 54,6% (tương đương 380 trường); đứng thứ hai là cấp THCS với 44,6% (272 trường); cấp mầm non có tỷ lệ 23% (213 trường). THPT là cấp học vượt chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất trong năm 2013, song hiện vẫn ở vị trí "đội sổ" với 17,6% (36/205 trường). So với năm 2012 thì thứ hạng này chưa có sự thay đổi.

Giữa các quận, huyện, thị xã còn có sự chênh lệch rõ rệt hơn. Cao nhất là quận Long Biên với 70,8% số trường đạt chuẩn, trong khi đơn vị xếp cuối cùng của thành phố là Phú Xuyên, chỉ đạt mức 16%. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, có 8 đơn vị đạt tỷ lệ trường chuẩn trên 60%, gồm: Long Biên, Tây Hồ, Từ Liêm, Thanh Trì, Cầu Giấy, Hà Đông, Đan Phượng và Gia Lâm. 5 đơn vị vẫn "cố thủ" ở vị trí cuối kể từ năm 2012 là Phú Xuyên - 16%, Ba Vì - 21%, Hai Bà Trưng - 31%, Mỹ Đức - 31%, Quốc Oai - 32%.

Vai trò của người sử dụng còn nhạt

Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2013, dù được đánh giá cao nhất trong số các năm song phản ánh từ các đơn vị cho thấy, con số này có thể cao hơn nữa nếu ngành giáo dục - phía thụ hưởng dự án xây dựng trường chuẩn được tham gia suốt quá trình triển khai dự án đầu tư. Ông Hoàng Văn Khải, Trưởng ban Quản lý dự án, Sở GD-ĐT Hà Nội, người trực tiếp quản lý, điều hành các dự án đầu tư xây dựng của ngành GD-ĐT trong nhiều năm qua nhận định: Vai trò của ngành giáo dục hầu như không được đề cao trong quá trình triển khai các dự án đầu tư. Thực tế, việc ngành được tham gia ngay từ đầu sẽ tạo tác động tốt tới chất lượng xây dựng trường học theo điều lệ, quy định về các tiêu chí chuẩn trường học của ngành, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Điều đó giúp hạn chế việc phải điều chỉnh, bổ sung các hạng mục, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bớt lãng phí và tăng hiệu quả sử dụng.

Bà Đỗ Mai Phương, Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội dẫn chứng: Quá trình thẩm định trường chuẩn tại các địa phương cho thấy thiết bị vệ sinh ở hầu hết các trường mầm non đều là loại dùng cho người lớn, không phân biệt giới tính, thậm chí có nơi xây nhà vệ sinh tách biệt với phòng học, phòng sinh hoạt của trẻ; phòng y tế, phòng hiệu bộ lại thường bố trí ở trên tầng cao, rất khó khăn khi có sự cố xảy ra. Một số nơi khi xây dựng đã bê tông hóa toàn bộ sân, vườn, trong khi đặc thù ngành học mầm non là cần giúp trẻ nhận biết, hình thành ý thức thân thiện với môi trường xung quanh, thế nên, khi điều chỉnh lại phải cậy bê tông lên để trồng cây, cỏ… Cấp tiểu học hiện có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất trong bốn cấp học, song, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội, để đạt mục tiêu xây dựng 100 trường chuẩn trong năm 2014 này thì các quận, huyện, thị xã phải cân nhắc việc đầu tư sao cho "trúng, toàn diện và thiết thực". Việc đầu tư hiện nay thường theo mô típ chung là trường nào cũng xây vài đại sảnh và ban công dù diện tích to hay nhỏ. Có trường hẹp quá, nên đại sảnh cũng chỉ xây "cho có" không thể dùng vào việc gì, rất lãng phí. Có nơi phải đôn thêm mới đủ độ cao ghế ngồi cho HS, lại có nơi phải cưa bớt chân ghế đi cho phù hợp với độ tuổi của trẻ. Cấp THCS cũng có tình trạng này. Nhiều nơi còn khó khăn nhưng ngoài phòng chức năng của bốn môn bắt buộc (lý, hóa, sinh, tin) thì còn đầu tư thêm phòng âm nhạc, mỹ thuật và ngoại ngữ, trong khi quy định của Bộ GD-ĐT chỉ khuyến khích thực hiện điều đó khi có điều kiện thuận lợi. Tiêu chí trường chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT cũng không bắt buộc phải xây dựng nhà giáo dục thể chất, mà chỉ cần khu giáo dục thể chất. Nói chung, kinh phí đầu tư nên được ưu tiên cho các hạng mục cần thiết phục vụ nhu cầu dạy - học tối thiểu.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, xây dựng trường chuẩn thì không gì bằng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhưng không phải nơi nào cũng có điều kiện để làm việc đó. Nếu các thầy, cô giáo được tham gia triển khai dự án từ khâu thiết kế đến quá trình thi công thì chắc chắn tình trạng cậy bê tông, cưa chân ghế hay đầu tư vá víu ở các trường sẽ giảm. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng sẽ bớt bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân không đáng có này.

Thống Nhất