Vì những chuyến bay an toàn

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 05/02/2014

(HNM) - Bên cạnh những nguy cơ uy hiếp an toàn bay từ chim, động vật hoang dã... đã có những sự cố xảy ra do lỗi chủ quan của con người.

Nguy cơ mất an toàn bay vẫn ở mức cao

Theo báo cáo của Cục HKVN, năm 2013 ngành đã cung cấp dịch vụ điều hành bay bảo đảm an toàn cho hơn 506.000 chuyến bay, song đã xảy ra 25 sự cố tại cảng hàng không, sân bay (tăng 1 vụ so với năm 2012) nhưng chỉ ở mức A và không có vụ việc nghiêm trọng. Số lượng sự cố, vụ việc liên quan đến cung cấp dịch vụ điều hành bay tăng 40% so với năm 2012, không thiệt hại về người cũng như thiệt hại lớn về tài sản.

Ngành hàng không Việt Nam cần hoàn thiện khả năng kiểm soát,


Đại diện Cục HKVN đánh giá, chỉ số tỷ lệ sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn trên giờ bay và chuyến bay đều tăng. Sự cố và tai nạn xảy ra ở các loại hình khác nhau và loại tàu bay khác nhau cho thấy công tác bảo đảm an toàn chưa thực sự vững chắc. Trong năm, Cục đã thực hiện điều tra 5 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân; đồng thời tổ chức và chỉ đạo công tác giảng bình an toàn để phòng ngừa tái diễn. Các vụ việc nêu trên có nhiều nguyên nhân như: chim, động vật hoang dã và người đột nhập trái phép vào khu bay vẫn còn cao; hệ thống hàng rào sân bay chưa hoàn chỉnh; vi phạm về tĩnh không tại các khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay như xây dựng công trình, thả diều… vẫn còn diễn biến phức tạp. Có một phần lỗi do nhân viên hàng không chưa tuân thủ tốt quy trình tiêu chuẩn (SOP) trong quá trình bảo dưỡng, khai thác tàu bay, bảo đảm hoạt động bay, kiểm soát khu bay…

Tập trung hoàn thiện khả năng kiểm soát

Trong các sự cố đáng chú ý phải kể tới vụ máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines hành trình từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) tới sân bay Đà Nẵng ngày 21-10-2013 bị gãy càng trước, mất một lốp mũi. Máy bay King Air của Công ty Bay dịch vụ hàng không Vasco từ Đà Lạt đi Buôn Mê Thuột làm nhiệm vụ bay hiệu chuẩn ngày 25-11-2013 đã buộc phải hạ cánh trong tình trạng không bung được càng lẫn bánh. May mắn là máy bay đã hạ cánh thành công, không xảy ra cháy nổ; toàn bộ tổ lái và nhân viên trên máy bay an toàn. Sau các sự cố này, đã có những lo lắng về công tác bảo đảm an toàn bay của ngành HKVN.

Về vấn đề an toàn hàng không (ATHK), đại diện Ban Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục HKVN) cho biết: Trước mỗi chuyến bay, nhân viên kỹ thuật phải kiểm tra theo một danh sách những hạng mục cần kiểm tra như quy định của nhà sản xuất. Theo quy định, sau khoảng 20.000 lần cất hạ cánh, Vietnam Airlines phải đưa máy bay đi kiểm tra tổng thể bằng các phương pháp chuyên biệt như siêu âm, tia cực tím, dùng mạt kim loại... để phát hiện các bất thường. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động hàng không nói chung và an toàn khai thác tàu bay nói riêng, các hãng hàng không và tổ chức bảo dưỡng Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình về bảo dưỡng, khai thác tàu bay, đặc biệt là quy trình kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo sự cố, báo cáo định kỳ và đột xuất. Tuân thủ nguyên tắc tất cả các hành vi vi phạm và các sai lệch so với quy định về ATHK khi bị phát hiện đều được điều tra, xác định rõ nguyên nhân và có khuyến cáo an toàn hoặc biện pháp phù hợp để phòng ngừa tái diễn…

Lãnh đạo Cục HKVN cho biết, trong giai đoạn 2014-2020, vấn đề ATHK sẽ tiếp tục được chú trọng với các giải pháp trọng yếu như: Tiếp tục chuyển đổi phương thức giám sát an toàn theo phương thức định kỳ sang giám sát liên tục; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ATHK làm cơ sở cho các khuyến cáo an toàn cần thiết; tiếp tục thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh và bổ sung Bộ quy chuẩn ATHK phù hợp với quy định của thế giới và thực tiễn tại Việt Nam… Đối với nguy cơ uy hiếp an toàn bay từ chim, động vật hoang dã, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổng thể để kiểm soát, trước mắt tập trung vào các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. Với hệ thống hàng rào sân bay, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý bố trí nguồn vốn ngân sách đầu tư toàn bộ hệ thống hàng rào. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch ứng vốn trước để xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, trước mắt tập trung xây dựng tại các cảng hàng không khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ…

Hiện có hai hệ số đo độ an toàn là hệ số an toàn về tai nạn và hệ số an toàn về sự cố. Về hệ số tai nạn, Việt Nam có chỉ số rất tốt vì 21 năm qua chưa có một tai nạn nào. Hệ số an toàn về sự cố được xếp theo thang điểm A, B, C, D, trong đó D là mức nghiêm trọng nhất. Tất cả các sự cố từ A đến D đều phải điều tra làm rõ nguyên nhân. Trong đó, loại A và B phải điều tra ở cấp độ tổ, đội, hãng bay. Cấp độ C phải điều tra theo cấp độ Bộ GTVT. Còn D là cấp độ phải điều tra theo cấp độ quốc gia. Ở Việt Nam đến nay chưa phải thực hiện vụ điều tra nào ở cấp độ D. Sự cố với chiếc ATR-72 hồi tháng 10-2013 nằm ở mức C.

Tuấn Lương