Kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường

Tài chính - Ngày đăng : 06:57, 05/02/2014

(HNM) - Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn trong năm qua, song những thành công của ngành ngân hàng vẫn được xem là mảng sáng của nền kinh tế nước nhà.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2013 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ, vàng, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) nên đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng phương tiện thanh toán tăng 14,64% so với năm trước; huy động vốn tăng 15,61%, trong đó ngoại tệ tăng 13,7%, tiền đồng Việt Nam tăng 15,93%. Đặc biệt, lãi suất được điều hành theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. NHNN tăng cường giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về lãi suất của các TCTD, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm nhằm thiết lập kỷ cương trên thị trường. Nhờ đó, tính kỷ luật thị trường được tăng cường. Từ mức 25-27%/năm của mấy năm trước, lãi suất cho vay giảm dần, đến cuối năm 2013 chỉ còn khoảng 10-12%/năm cho hầu hết doanh nghiệp (DN). DN đã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Còn với người dân, lãi suất cho vay ở ngưỡng 12-15%/năm cũng tạo điều kiện cho những người có nhu cầu có thể vay vốn. Để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng phải tìm cách hạ lãi suất huy động xuống chỉ còn trên dưới 7%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn gửi, thấp hơn nhiều so với những năm trước, song đây vẫn được coi là mức lãi suất chấp nhận được trong điều kiện lạm phát ở mức thấp. Gửi tiết kiệm vẫn được coi là kênh an toàn bên cạnh những kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ…

Năm 2014, ngành ngân hàng được dự báo sẽ còn không ít khó khăn. Ảnh: Thanh Hải


Tín dụng được điều hành linh hoạt, theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD. Kiểm soát chặt hoạt động cho vay bằng ngoại tệ nhằm hạn chế đô la hóa nền kinh tế. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN được tiếp cận vay mới, thực hiện miễn, giảm lãi vốn vay, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau... Tăng trưởng tín dụng mặc dù đạt mức thấp so với chỉ tiêu, nhưng chất lượng và hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế được cải thiện. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên, còn cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm mạnh.

Một trong những thành công lớn nhất của ngành ngân hàng chính là giữ bình ổn thị trường ngoại tệ, đặc biệt là thị trường tự do. Tình trạng người dân đến "chợ đen" mua USD để tích trữ không còn diễn ra, bởi USD không còn được coi là kênh đầu tư lý tưởng nhất. Sự chênh lệch giữa thị trường chính thức và tự do rút ngắn dần, tiến tới giá giao dịch trên hai thị trường gần bằng nhau, giúp niềm tin vào đồng nội tệ được cải thiện. Cùng với đó, thị trường vàng đã ổn định, khi NHNN cung ứng hàng trăm tấn vàng qua kênh đấu thầu. Tuy nhiên, giá vàng giữa thị trường thế giới và trong nước vẫn còn chênh lệch khá lớn.

Mặc dù đã bước qua một năm với khá nhiều khó khăn, song năm 2014 được dự báo vẫn còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, NHNN sẽ điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của NHNN để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Theo dõi sát diễn biến tỷ giá và thị trường tiền tệ, ngoại hối nhằm điều hành tỷ giá phù hợp, tiếp tục khắc phục tình trạng "đô la hóa", "vàng hóa" trong nền kinh tế, khuyến khích nắm giữ tiền đồng, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước. NHNN sẽ thực hiện các giải pháp về lãi suất, tín dụng nhằm hỗ trợ DN vay vốn, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, dự án hiệu quả và sử dụng nhiều lao động. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD giai đoạn 2011-2015, triển khai Đề án xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm an toàn và phát triển bền vững hệ thống TCTD…

Theo lãnh đạo NHNN, trong năm nay, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hiệu quả với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 12-14%.

Đức Anh