Bảo tồn nét đẹp truyền thống
Văn hóa - Ngày đăng : 06:24, 05/02/2014
Các địa phương chuẩn bị cho lễ hội Xuân Giáp Ngọ khá công phu, chu đáo, mục tiêu là góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giảm bớt những điều chướng tai gai mắt.
Hội Gióng với nhiều nghi lễ mang đậm văn hóa truyền thống thu hút người dân tham gia. |
Bồi đắp lòng yêu nước
Sáng nay, lễ hội Hai Bà Trưng khai mạc tại di tích đền thờ Hai Bà ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Mở đầu là lễ tế, lễ rước với sự tham gia của hàng trăm người dân xã Mê Linh. Lễ tế do các bô lão trong xã thực hiện theo nghi thức truyền thống; còn lễ rước được chia thành hai khối, khối văn hóa tâm linh và hồi cố lịch sử.
Lễ rước khối văn hóa tâm linh có đoàn cờ hội, đội chiêng trống, đoàn nghinh trượng gồm voi chiến, ngựa chiến, binh đao, cờ lệnh, phường bát âm… biểu trưng cho sức mạnh và khí thế chiến đấu của Hai Bà Trưng lúc ra trận; khối hồi cố lịch sử có hình tượng Thi Sách, Trưng Trắc, Trưng Nhị. Sau lễ rước, lễ dâng hương kỷ niệm 1974 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2014) sẽ diễn ra trang trọng với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Trong chương trình nghệ thuật khai mạc, các nghệ sĩ "kể" cho người dự hội những chiến công hiển hách của Hai Bà qua hoạt cảnh về Hai Bà Trưng. Rằng, vào năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên), Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa trên đất Mê Linh, đánh tan quân xâm lược Đông Hán, lập quốc xưng vương, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự chủ của dân tộc.
Ghi nhớ công lao hai vị nữ anh hùng, lễ hội Hai Bà Trưng và đền thờ Hai Bà ở Mê Linh luôn được giữ gìn, trân trọng. Dù bận trăm công nghìn việc, dù xa quê hương vào dịp này những người con xã Mê Linh đã gác lại công việc thường nhật về đền Hai Bà Trưng thắp nén hương thơm, du xuân, dự hội trong những ngày đầu năm mới. "Gần 1.000 người dân xã Mê Linh đã được huy động tham gia phục vụ lễ hội đền Hai Bà Trưng xuân Giáp Ngọ. Người dân Mê Linh là chủ thể chính của lễ hội, từ khâu tế, rước cho đến việc đón tiếp khách, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian. Đón nhận tin đền Hai Bà Trưng được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, không khí chuẩn bị ở Mê Linh Xuân Giáp Ngọ sôi động từ giữa tháng Chạp năm Quý Tỵ, tất cả đã sẵn sàng cho ngày khai hội. Du khách đến tham quan, dự hội từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng có thể gửi xe ở đường gom chân đê để tránh ách tắc", lãnh đạo xã Mê Linh cho biết.
Với đền thờ Hai Bà Trưng từ năm 2004 đến nay, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo giai đoạn I, gồm các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo 3 tòa đền chính, tu bổ toàn bộ nội thất đền, dịch chuyển nhà tả mạc, hữu mạc, cải tạo hồ bán nguyệt và sân đền trước tiền tế, xây dựng hệ thống đền thờ thân mẫu, phụ mẫu Hai Bà, đền thờ thân mẫu, phụ mẫu ông Thi Sách, đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, mở rộng không gian đền… Thiết thực chuẩn bị cho lễ đón Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, huyện Mê Linh đang triển khai đầu tư cho dự án tu bổ, tôn tạo đền thờ Hai Bà Trưng giai đoạn II. Theo đó, đường Kéo Quân từ đình Hạ Lôi đến đền thờ Hai Bà Trưng sẽ được nâng cấp; hệ thống đường giao thông nội tuyến, ngoại tuyến, hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện; cổng chính vào đền sẽ sớm hoàn thành… "Cùng với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong lễ hội, đền thờ Hai Bà Trưng đã, đang và sẽ là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước", Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh Phan Văn Luật khẳng định.
Khắc phục hạn chế tồn tại từ lễ hội trước
Tương tự như lễ hội Hai Bà Trưng, nhân dân các xã quanh khu vực đền Sóc (Sóc Sơn) đang tích cực chuẩn bị cho lễ khai hội Gióng vào sáng nay (5-2). Người dân thôn Vệ Linh, xã Phù Linh nhộn nhịp vót hoa tre; các cụ cao niên thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược đan voi rước; người dân thôn Đan Tảo, xã Tân Minh chuẩn bị trầu cau; thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa chuẩn bị ngà voi; thôn Yên Sào, xã Xuân Giang chuẩn bị cỏ voi; thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú chuẩn bị rước tướng… Như thường lệ, lễ khai hội đền Sóc gồm các nghi lễ rước mang tính biểu tượng nhằm tôn vinh lòng yêu nước, tinh thần thượng võ như lễ rước voi ngà, ngựa, giò hoa tre, rước tướng... Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ kéo dài, dự kiến, hội đền Sóc sẽ thu hút rất đông người tham gia.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong mùa lễ hội trước, năm nay huyện Sóc Sơn bố trí lực lượng an ninh trật tự trực ở những chốt giao thông quan trọng; tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường với các hộ kinh doanh dịch vụ trong khu vực di tích; cấm cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan, cấm đổi tiền lẻ không đúng quy định. Huyện đã giao cho xã Phù Linh bố trí điểm trông giữ xe ở sân Học viện Phật giáo, sân tượng đài Thánh Gióng, các gia đình sống gần khu di tích.
Lễ hội Cổ Loa hằng năm luôn được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian. |
Cùng ngày, lễ hội đền Cổ Loa (huyện Đông Anh) sẽ khai mạc với các nghi lễ truyền thống. Đặt công tác bảo đảm an toàn cho du khách lên hàng đầu, BTC lễ hội đền Cổ Loa đã huy động lực lượng liên ngành với hàng trăm người làm công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Tạo không gian, cảnh quan đẹp cho lễ hội, huyện Đông Anh phối hợp với các cơ quan chức năng từng bước hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng, thảm hoa, cây cảnh trên con đường đi qua khu di tích Cổ Loa, cắm cờ hội, cờ đuôi nheo từ đường làng, ngõ xóm vào đến sân đền… Các trò chơi dân gian như chọi gà, ném còn, đu tiên, cờ người, bắn nỏ, thổi cơm thi, đánh đáo mẹt… tạo nên nét đặc sắc cho lễ hội đền Cổ Loa tiếp tục được BTC lễ hội duy trì.
Nếp sống văn minh trong các lễ hội được duy trì, hy vọng những lễ hội độc đáo trên địa bàn Thủ đô sẽ là điểm tham quan, chiêm bái hấp dẫn đầu xuân Giáp Ngọ của du khách gần xa.