Bộ Tài chính Mỹ hối thúc Quốc hội nhanh chóng nâng trần nợ công

Thế giới - Ngày đăng : 16:45, 04/02/2014

Ngày 3/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew hối thúc quốc hội nhanh chóng nâng mức trần nợ trước thời điểm chính phủ mất quyền vay mượn vào ngày 7/2 tới.


Phát biểu tại một cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cho rằng thời gian còn lại rất ngắn, quốc hội cần phải hành động ngay để gia hạn khả năng vay mượn của quốc gia. Quan chức này nhấn mạnh đến ngày 7/2 tới nếu quốc hội không nâng mức trần nợ thì Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện các "biện pháp đặc biệt" để tránh khả năng nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành tài chính Mỹ, các "biện pháp đặc biệt" chỉ có thể duy trì hoạt động cho chính phủ cùng lắm đến cuối tháng 2.

Ông Lew cho rằng việc trì hoãn nâng mức trần nợ của quốc hội chỉ làm rối loạn nền kinh tế, gây bất ổn thị trường tài chính và ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế.

Trong 3 năm qua, chính trường Mỹ đã xảy ra nhiều bất đồng xung quanh vấn đề nâng trần nợ công. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, số tiền thanh khoản của chính phủ đã tăng nhiều so với trước. Khoản nợ hiện nay của Chính phủ Mỹ đang ở mức 17.300 tỷ USD.

Trước đó, ngày 17/10/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành dự luật chi tiêu ngân sách, chấm dứt tình trạng đóng cửa kéo dài hơn 2 tuần của chính phủ liên bang. Vào thời điểm đó, quốc hội đã nhất trí không bàn đến vấn đề nợ công và để lại vấn đề này đến ngày 7/2 năm nay. Trong các tuyên bố gần đây, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa nói rằng sẽ yêu cầu đảng Dân chủ phải nhượng bộ trong vấn đề này, báo hiệu một tiến trình thảo luận căng thẳng tại Quốc hội thời gian tới.

Mức trần nợ là tổng số tiền mà Quốc hội cho phép chính phủ liên bang vay mượn để chi trả các khoản tiền an sinh xã hội, trợ cấp y tế, trả lương cho quân nhân, hoàn thuế và các khoản chi trả khác. Vì vậy, việc quốc hội không nâng trần nợ có thể sẽ đẩy chính phủ vào cảnh vỡ nợ vì không còn tiền mặt hoạt động, dẫn đến tình trạng rối loạn tài chính, thậm chí rơi vào vòng suy thoái kinh tế mới./.

TTXVN