Nhà thiết kế “quên” khách bộ hành

Giao thông - Ngày đăng : 07:58, 04/02/2014

(HNM) - Hằng ngày, vào các khung giờ cao điểm (7h-8h30 và 16h30-18h), đoạn đường Nguyễn Văn Cừ từ ngã ba giao cắt với phố Ngọc Lâm đến cầu Chui rất đông đúc.

Hành khách xe buýt đi bộ băng qua đường có dải phân cách cứng.



Trên suốt đoạn đường dài gần 1km từ ngã ba giao cắt phố Ngọc Lâm đến vòng xuyến nút giao thông Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5), đường Nguyễn Văn Cừ có dải phân cách bằng bê tông trồng cây xanh. Đáng nói là cả đoạn đường dài gần 1km lại không hề có cầu vượt hay phần đường dành cho người đi bộ sang đường. Ngoài ra, đảo giao thông nút Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Linh quá lớn, luôn có mật độ phương tiện cao, vì vậy người đi bộ cũng không có cơ hội tham gia giao thông. Tại ngã ba Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Lâm, người đi bộ cũng có rất ít cơ hội để sang đường một cách an toàn. Nguyên nhân là từ ngã ba này đến ngã tư giao cắt giữa phố Nguyễn Sơn với đường Nguyễn Văn Cừ cũng bị phân chia bởi dải phân cách cứng. Do các phương tiện tập trung về đây để quay đầu xe, đổi làn trong khi đèn tín hiệu giao thông mới chỉ điều tiết một chiều, chưa có hệ thống phân luồng cho xe rẽ giao thông tại đây nên thường xảy ra hỗn loạn. Hơn nữa, ở ngay ngã ba này có ngõ 564, tuy mặt cắt đường không lớn nhưng lại cho phép xe ô tô lưu thông. Không ít lái xe ô tô đã sử dụng ngõ này để đi tắt, tránh việc đi vòng, quay đầu xe. Vì vậy cũng thường gây ùn tắc tại ngã ba.

Đã thiết kế giao thông không hợp lý lại không có lối cho người đi bộ sang đường, tuy nhiên lại có hai trạm xe buýt nằm đối diện nhau (trước số 583 và 654) ở chính giữa đoạn đường này khiến hành khách đi xe buýt không có cách nào khác là phải băng qua dòng xe đang lưu thông và trèo qua dải phân cách cứng. Vì vậy, thường xảy ra va chạm, tai nạn trên đoạn đường này.

Tình trạng trên cho thấy, rõ ràng là khi xây dựng tuyến đường cũng như đặt trạm xe buýt, đơn vị thiết kế dường như đã "quên" hẳn một đối tượng tham gia giao thông khác rất quan trọng, đó là khách bộ hành!

Hải Chi