Người Việt ở nước ngoài: Trân trọng văn hóa Việt

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 07:26, 04/02/2014

(HNM) - Trong không khí ấm áp chào đón xuân mới, hàng nghìn bà con kiều bào ở khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã trở về quê hương.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, đã sinh sống và làm việc tại Nga từ năm 1989 cho biết, với những người thường xuyên ở Việt Nam thì sẽ không nhận ra sự thay đổi, nhưng những ai vài năm mới về nước một lần hoặc có những người xa quê hương cả chục năm, 20 năm thì mới thấy sự thay đổi thật kinh ngạc. Từ những công trình mọc lên san sát, dòng xe cộ tấp nập đến gương mặt con người cũng đã trở nên năng động hơn. Hiện tại, cộng đồng người Việt tại Nga có khoảng hơn 100.000 người. Phần lớn thế hệ của nhà thơ đều có thể xem như "lá rụng về cội", dù cách xa muôn trùng nhưng lúc nào cũng hướng về quê hương đất nước. Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam ngày một đi lên, hàng hóa từ Việt Nam chuyển sang Nga không thiếu thốn như thời kỳ trước. Có thể nói là cái gì ở chợ Đồng Xuân có thì ở Nga cũng có. Vì vậy, mâm cơm người Việt ngày Tết có đầy đủ từ bánh chưng, giò chả đến dưa hành… Thậm chí, gia đình có điều kiện còn mua cả đào ở Nhật Tân để mang sang. Cảm giác đầy đủ những món ăn cổ truyền trong ngày Tết giúp người xa xứ vơi đi nỗi nhớ nhà. "Tôi cũng cảm thấy mừng vì dù xa quê hương nhiều năm nhưng hầu như các gia đình đều có ý thức gìn giữ phong tục truyền thống Việt như làm bữa cơm Tất niên, chọn người xông đất, lì xì cho trẻ con. Hầu như các gia đình người Việt đều có bàn thờ gia tiên để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Qua đó có thể khẳng định sức mạnh văn hóa truyền thống của người Việt", ông Hoàng nói.

Với mái tóc bạc trắng đã thưa nhiều và vóc dáng nhỏ nhắn, ông Lê Văn Duyên, Việt kiều Mỹ đã 38 năm định cư xa quê cho biết, hầu như năm nào ông cũng về Việt Nam ăn Tết. Mỗi lần như vậy, ông được sống trong bầu không khí ấm cúng khi gặp người thân trong gia đình, dòng họ. Theo ông, việc giữ gìn nếp nghĩ, nếp sống của người Việt cho các thế hệ con, cháu mình sinh ra và lớn lên ở nước ngoài là việc làm vô cùng cần thiết. Quan trọng nhất là phải để con, cháu hiểu biết về dân tộc mình và phải luôn ý thức mình là người Việt Nam. Theo ông Duyên, không cần phải triển khai những dự án to tát, truyền dạy văn hóa và tiếng Việt ở nước ngoài có thể từ các sinh hoạt hằng ngày như chơi, kể chuyện... cho con cháu hiểu về dân tộc mình, về những cuộc kháng chiến chống xâm lăng từ xa xưa cũng như cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc Việt Nam để đi đến hòa bình ngày nay. Đây là cách làm đơn giản nhưng rất hiệu quả mà ông đã thực hiện đối với con cháu trong gia đình nhiều năm qua.

Ông Trần Quang Lực, Việt kiều từ Ukraine chia sẻ, hiện nay, kiều bào ta tại Ukraine có khoảng hơn 10.000 người, sống tập trung tại các thành phố lớn như Kharcov, Kiev, Odessa, Krivorok… Mặc dù sinh sống ở nước ngoài nhưng các hoạt động văn hóa và truyền thống như đón Tết cổ truyền của dân tộc vẫn được bà con gìn giữ và phát huy. Theo ông Lực, những nơi có nhiều người Việt sinh sống ở Ukraine đã có trường dạy tiếng Việt cho con em. Với hình thức học tập bằng cách cha mẹ truyền đạt cho con, hầu hết các gia đình đều sử dụng tiếng Việt để giao tiếp nên ngôn ngữ quê hương vẫn được duy trì trong cộng đồng. Trở về Việt Nam ăn Tết lần này, ông Lực mong muốn Nhà nước có thêm nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động dạy tiếng Việt cho giới trẻ ở nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút lớp trẻ kiều bào có thể về nước làm việc góp phần xây dựng đất nước.

Quỳnh Chi