Tôn vinh truyền thống anh hùng
Chính trị - Ngày đăng : 06:23, 04/02/2014
Mở đầu cho chuỗi lễ hội lớn đầu xuân trên địa bàn Thủ đô, lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (còn được gọi là lễ hội gò Đống Đa) chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Lễ hội gồm nghi lễ trang trọng, có đoàn rước kiệu, nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Đây là lễ hội lớn nhất nước tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ có công đánh tan quân Thanh xâm lược, mang lại hòa bình cho đất nước. Bởi thế, lễ hội gò Đống Đa trước hết là lễ hội tôn vinh lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm và ý chí quật cường của dân tộc.
Hội gò Đống Đa - tưởng niệm anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ảnh: Viết Thành |
Ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa cho biết: Trong lễ hội gò Đống Đa xuân Giáp Ngọ 2014, các nghi lễ truyền thống do nhân dân trong vùng thực hiện hàng trăm năm nay vẫn được duy trì. Bắt đầu từ 6h sáng, các vị chức sắc, bô lão từ Bình Định ra, từ Thái Nguyên xuống, từ Quảng Ninh về sẽ tề tựu đông đủ và tiến hành tế lễ tại chùa Bộc và chùa Đồng Quang, trước bài vị vua Quang Trung và vong linh các binh sĩ tử trận trong trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa. Sau đó là các đám rước tưng bừng mừng chiến thắng từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, độc đáo nhất là đám rước "Rồng lửa". Tương truyền, trước lời kêu gọi của vua Quang Trung, người dân vùng quanh đồn giặc đã bí mật dùng rơm và các chất liệu dễ cháy bện thành những con rồng, khi quân Tây Sơn tiến đánh, nhân dân nhất loạt đốt rồng rơm, tạo thành biển lửa thiêu cháy quân địch. Sau lễ rước là lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của vua Quang Trung và chương trình văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian hấp dẫn.
Với mong muốn lấy hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, bối cảnh lịch sử năm 1788-1789, tinh thần, khí phách chiến đấu và chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn, câu chuyện tình đậm màu huyền thoại của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với công chúa Lê Ngọc Hân sẽ được tái hiện sinh động trong chương trình nghệ thuật "Sắc thắm tình xuân" do gần 200 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội thể hiện. Đó là cảnh nhân dân ta luôn khao khát có cuộc sống yên bình. Mỗi buổi bình minh thức dậy, cha mẹ xuống đồng, lên núi, ra sông, ra biển làm ăn, trẻ em lớn lên trong bầu không khí thanh bình. Mong muốn là thế, khát khao là thế, nhưng những kẻ ngoại xâm tàn bạo ôm mộng bá vương, đồng hóa người Việt chẳng chịu buông tha. Chúng cướp sạch, giết sạch, vơ vét sạch. Trước giặc phương Bắc như vũng bùn hắc ám, dân ta nén đau thương, nuốt khối căm hờn, dựng cờ phục quốc.
Năm ấy, Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng những người lính vừa buông cuốc cày hừng hực khí thế đi đánh giặc xâm lăng. Voi chiến, ngựa chiến, nghìn người như một thề nguyện lập công, thần tốc hành binh, quyết chiến để giành lại non sông. Hành quân ra Bắc, Quang Trung - Nguyễn Huệ phối hợp cùng danh sĩ Bắc Hà là Ngô Thì Nhậm và các tướng lĩnh lãnh đạo quân dân chiến đấu, giành thắng lợi như chẻ tre, đánh tan hàng vạn quân Thanh xâm lược. Sau Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, trưa mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, đại quân Tây Sơn tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long. Trong chiến thắng mùa xuân 1789, một trời hoa đào trên đất Thăng Long bừng nở, vinh danh người anh hùng áo vải. Khi ấy, hoàng đế Quang Trung đã gửi một cành đào báo tin chiến thắng về Phú Xuân cho hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Cánh đào phai trở thành biểu tượng tình yêu nồng thắm của người anh hùng áo vải và công chúa lá ngọc cành vàng.
"Kết hợp với âm nhạc cùng những lời bình sâu sắc, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ chuyển tải câu chuyện lịch sử, thông điệp tình yêu gắn với hình tượng người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đến công chúng một cách khéo léo, sinh động. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi khai thác chi tiết nghĩa quân Tây Sơn kết hợp với danh sĩ Ngô Thì Nhậm trong trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa, giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử. So với những năm trước, chương trình nghệ thuật sử thi năm nay có sự đầu tư sâu hơn cả về nội dung, cốt truyện và chất lượng nghệ thuật" - bà Nguyễn Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội khẳng định.
Cùng với sự đổi mới chương trình nghệ thuật, công tác tổ chức, quản lý lễ hội gò Đống Đa xuân Giáp Ngọ cũng được chuẩn bị công phu, chu đáo. Bà Nguyễn Thanh Lương, Giám đốc Công viên văn hóa Đống Đa cho biết: Chính quyền chỉ tham gia quản lý an ninh, trật tự và nghi lễ dâng hương, còn lại lễ rước, lễ tế và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian đều do nhân dân phường Quang Trung và Trung Liệt làm chủ thể. Người dân và du khách đến dự hội gò Đống Đa có thể gửi xe miễn phí ở Trường Tiểu học Quang Trung; đặt tiền công đức ở những nơi được BTC bố trí. BTC lễ hội cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân không bán hàng rong trong khu vực lễ hội.
Thanh Trì kỷ niệm 225 năm Chiến thắng Ngọc Hồi (HNM) - Ngày 3-2 (mùng 4 tháng Giêng), UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức lễ kỷ niệm 225 năm Chiến thắng Ngọc Hồi tại khu di tích lịch sử Ngọc Hồi (xã Ngọc Hồi). Diễn văn kỷ niệm của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn nêu rõ: Đồn Ngọc Hồi do quân Thanh xây dựng kiên cố nhằm bảo vệ cửa ngõ phía nam thành Thăng Long. Với khí thế tiến công thần tốc, đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Quang Trung - Nguyễn Huệ ào ạt xông vào đồn địch, khiến quân Thanh phải tháo chạy. Chiến thắng Ngọc Hồi đã tiêu diệt một bộ phận quân Thanh xâm lược, mở toang cánh cửa cho quân Tây Sơn tiến vào giải phóng Thăng Long. Phát huy truyền thống anh hùng, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì đã chung sức, chung lòng xây dựng quê hương phát triển toàn diện. Kinh tế tăng trưởng trung bình 15%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi. Đến nay, Thanh Trì đã có 6 xã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới. Minh Ngọc |