Những người giữ nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 08:13, 03/02/2014

(HNM) - Khi Trường đua Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh) đang hoạt động thì vùng đất Đức Hòa (tỉnh Long An) là thủ phủ nuôi và luyện ngựa đua, với 99% hộ dân nuôi và cung cấp cho trường đua khoảng 70-80% số ngựa.


Gia đình anh Nguyễn Văn Khắp là một trong những hộ có truyền thống nuôi ngựa lâu đời tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Anh Khắp kể với chúng tôi rằng, thời hưng thịnh, chỉ mới cách đây 3 năm thôi, khi Trường đua Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh) chưa đóng cửa, hầu như quán cà phê nào trên địa bàn huyện Đức Hòa đều trở thành quán "cà phê ngựa". Ngày nào cũng vậy, sau khi cho ngựa đi "quần" (dắt ngựa đi bộ), chủ ngựa và người nuôi lại tập trung về các quán cà phê cùng nhau bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết để có những con ngựa đua hay nhất.

Những chú ngựa đua được chăm sóc và bó chân thật chắc trước khi xung trận.



Anh Huỳnh Minh Lý (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, gia đình có 3 đời theo nghề nuôi ngựa đua) kể: "Hồi Trường đua chưa đóng cửa, đua ngựa thường diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật, nhưng vào 1h sáng chúng tôi đã dậy, dắt ngựa đi bộ 50km từ Long An lên Trường đua Phú Thọ. Dắt chứ không cưỡi vì phải giữ sức cho ngựa. Hồi ấy, cả gia đình hay các nhóm có khi cả ấp kéo đi thành đoàn rầm rập trong đêm lên TP Hồ Chí Minh. Buổi chiều nếu đua 5 đến 7 độ thì phải hơn 17h mới bắt đầu ra về, tới nhà cũng khuya khoắt lắm. Mệt nhưng vui!".

Có nhiều ngựa nhất vùng Đức Hòa phải kể đến gia đình anh Lê Thanh Tuấn (ấp Đức Hạnh 1, xã Đức Lập Hạ). Anh Tuấn bảo, để nuôi được một con ngựa đua (3 năm là đua được) không hề đơn giản. Cứ 4h sáng phải dắt ngựa đi bộ cả chục kilômét, rồi đưa ngựa xuống bàu ngâm chân cho chắc (nước phải sạch nếu không sẽ bị ghẻ chân), sau tắm cho ngựa hơn một giờ đồng hồ mới dắt về. Khoảng 14h chiều lại phải dẫn đi cũng 10km cho ra mồ hôi, rồi tắm mát… Tất cả nhằm tôi rèn cho ngựa có sức chịu đựng, dẻo dai. Yếu tố quan trọng không kém là sáng ra, trung bình một con ngựa cũng phải ăn 5 lít lúa (tương đương gần 4kg lúa) và bữa chiều cũng tương đương. Ngoài ra còn phải ăn chuối, chích (tiêm) thuốc bổ và các loại thuốc phòng bệnh. Trung bình chi phí nuôi ngựa đua cũng không dưới 4-5 triệu đồng/con/tháng. "Nếu không đam mê thì không nuôi được bởi sự tốn kém mà nó mang lại", anh Tuấn chia sẻ.

Ngựa đua không thể thiếu "nài" (người điều khiển ngựa). Thời hưng thịnh, Đức Hòa là địa phương cung cấp số lượng lớn "nài" ngựa giỏi cho Trường đua Phú Thọ. Ông Huỳnh Nam Sơn (còn gọi là nài Chói Hai, 63 tuổi, ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa), là một trong những "nài" ngựa giỏi có tiếng của vùng này. Giờ đã bước sang tuổi 63 mà ông Sơn vẫn nguyên vẹn niềm đam mê thời trai trẻ. Ông kể rằng, lúc mới 14 tuổi, ông đã học "nài". Trong vòng 8 năm làm "nài" (từ năm 1965 đến 1973) ông đã cưỡi ngựa đua hơn 1.000 lần, trong đó thắng khoảng 400-500 lần. "Ngoài kỹ năng cưỡi ngựa, điều quan trọng là trọng lượng "nài" càng nhẹ thì càng tốt, bởi nặng quá ngựa sẽ không chạy thoát nước. "Nài" ngựa chỉ nên nặng trung bình 25-40kg thôi. Thế nên khoảng một tháng trước khi "vào trận", chúng tôi ngồi xông nến trong thùng phi trong một giờ đồng hồ, tuần xông 3 lần. Trong thời gian đó phải uống thuốc chống đói, chỉ được uống nước, uống cà phê. Tất cả nhằm ép cân, có những lúc phải ép 4-5kg", ông Sơn kể. Ngoài việc phải giảm cân, "nài" ngựa còn phải chấp nhận sự nguy hiểm. "Nài" phải hiểu, phải biết ý của ngựa, ngồi thế nào cho nó nhảy, điều khiển thế nào để cho thắng.

Mong một ngày ngựa được tung vó

Hơn 2 năm qua, khi Trường đua Phú Thọ ngưng hoạt động, miếng ăn, cái mặc thời kinh tế thị trường khốc liệt đã khiến nghề nuôi, luyện ngựa ở Đức Hòa và nhiều vùng lân cận như Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) teo tóp dần. Nếu như hơn 2 năm trước, ở vùng Đức Hòa, 99% hộ dân đều nuôi và cung cấp cho trường đua khoảng 70-80% số ngựa thì bây giờ, những người cố giữ "nghiệp ngựa" chỉ đếm trên đầu ngón tay, như anh Lê Thanh Tuấn, ông Trần Công Lập… Những con người đó đều có một điểm chung là rất yêu và khắc khoải ngày ngựa được tung vó. Trong khi nhiều nhà bán ngựa thì vừa qua gia đình anh Lê Thanh Tuấn lại vay mượn 300 triệu đồng để mua 10 con ngựa đua. "Bây giờ không còn được đua nhưng tôi vẫn nuôi giữ đàn ngựa, phần vì đam mê, phần bởi truyền thống gia đình. Gia đình tôi có truyền thống 4 đời nuôi ngựa đua. Tôi quyết định rồi, thiếu tiền chứ không thiếu ngựa!", Tuấn tâm sự và cho biết, hằng ngày ngoài công việc đồng áng, anh vẫn đi làm thêm để có thu nhập trang trải cho việc nuôi những con ngựa này.

Ông Baudron (người dân Đức Hòa gọi là ông Sáu, 68 tuổi, người Pháp gốc Việt ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) đã gắn bó với những con ngựa hơn 20 năm nay. Vuốt vuốt bờm chú ngựa đua mang tên Nobel, ông Sáu bảo, đây là con ngựa ông "cưng" nhất bởi Nobel rất thông minh, trung thực và quả cảm. Hồi còn Trường đua Phú Thọ, nó không có đối thủ. Tuy nhiên trong một lần thi đấu, khi bị người đua cá độ, không cho nó chạy hết sức, Nobel phi đến nửa đường thì quay đầu ngược trở lại. Nài ngựa, chủ ngựa nổi xung đánh nó tóe máu nhưng Nobel vẫn không chịu chạy đua. Sau khi trường đua đóng cửa, dù giá ngựa đua tụt thê thảm ông Sáu vẫn trả tới 100 triệu đồng để mua Nobel bởi thích cá tính của nó. "Cách đây 3 tháng, một "đại gia" đến trả 200 triệu đồng nhưng tôi nhất quyết không bán. Nhiều người mang ngựa đến đề nghị phối giống với giá vài chục triệu một lần nhưng tôi cũng không chịu. Nếu vì tính chất thương mại thì tôi đã không đến với những con ngựa này", ông Sáu kể. "Bây giờ cả vùng chỉ còn chưa tới 300 ngựa đua, trong khi thời kỳ đang còn trường đua, mỗi lần tổ chức đua cũng xấp xỉ 1.200 con ngựa đăng ký đua". Ông Sáu nghèn nghẹn nói. Nhìn đàn ngựa trùn chân mỏi gối và vơi đi từng ngày do chủ không đủ điều kiện duy trì, ông Sáu quyết định tạo sân chơi mới cho mọi người. Ông đã liên hệ với một doanh nghiệp ở Long An và mượn tạm một khu đất rộng vài hécta và đổ tiền, đổ công sức hơn 4 tháng ròng rã tạo nên mộ đường piste dài một cây số để ngựa tung vó, thỏa mãn niềm ao ước bấy lâu nay của người nuôi.

Trong chuyến đi Đức Hòa lần này, chúng tôi may mắn được chứng kiến ngày khai trương đường đua của người dân trong vùng và cả những người gắn bó với ngựa đua ở TP Hồ Chí Minh. "Tuy không được quy củ như một trường đua nhưng chúng tôi thật sự hạnh phúc, hạnh phúc vô giá", ông Nguyễn Trường Đảm (55 tuổi, TP Hồ Chí Minh) không giấu được cảm xúc khi thấy ngựa tung vó.

Trước nguyện vọng của người dân, Sở VH,TT&DL Long An đã đồng ý cho huyện Đức Hòa đứng ra tổ chức đợt đua ngựa phong trào vào dịp 22-12 vừa qua, nhằm khơi dậy nét truyền thống văn hóa bao đời nay. UBND tỉnh Long An cũng đang xem xét nguyện vọng của người dân về việc thành lập Hội Những người đua ngựa. Những tín hiệu đó thật đáng mừng, càng có ý nghĩa hơn trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 này.

Năm 1893, Hội Đua ngựa Sài Gòn được một nhóm người Pháp, đa phần là sĩ quan và chủ đồn điền, nhà buôn lập ra. Vòng đua được xây dựng bên trong bãi đất rộng trên đường Vườn Bà Lớn. Ban đầu chỉ có 3-4 đợt đua vào ngày chủ nhật và mỗi đợt có 5-7 ngựa tham gia. Năm 1932, Hội Đua ngựa Sài Gòn mua 50ha đất tại khu Phú Thọ để xây dựng trường đua. Sau năm 1952, Hội Đua ngựa Sài Gòn thuộc về người Việt. Ngày 11-3-1989, Trường đua Phú Thọ được hồi sinh dưới tên gọi CLB Thể thao Phú Thọ, diện tích khoảng 21ha với hơn 600 ngựa đua và 70 tay nài thường xuyên hoạt động. Từ năm 2004, CLB Thể thao Phú Thọ hợp tác với Công ty TNHH Thiên Mã nâng cấp trường đua và quản lý hoạt động đua ngựa. Các đợt đua diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Sau 7 năm liên doanh, hoạt động đua ngựa đã tạm dừng từ đầu tháng 6-2011. Theo chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh, khu vực này sẽ được dùng để xây dựng Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.


Hà Tuấn