Hành trình trở về quê hương của cô gái trẻ mang hai dòng máu Pháp -Việt
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 17:16, 01/02/2014
Một năm là thực tập sinh tại Việt Nam, cô gái trẻ người Pháp có cơ hội để trải nghiệm cuộc sống tại nơi vốn là quê hương của mình (Ảnh: Kiều Giang) |
Hành trình trở về quê hương
Mathilde Preault Nguyễn sinh ra và lớn lên tại Pháp, nhưng lại mang trong mình cả dòng máu Việt. Cụ của Mathilde là người Việt Nam. Cụ đã đến Pháp trong những năm 1930, sau đó kết hôn với một người Pháp. Mẹ của Mathilde là thế hệ thứ 3 trong đại gia đình mang hai dòng máu Việt – Pháp và Mathilde là thế hệ thứ 4.
Khi sang Pháp, cụ của Mathilde là người Việt đầu tiên mở trường Việt võ đạo. Cụ có 7 người con đều đang sống ở Pháp. Sau này, những người con của cụ đã tiếp tục sự nghiệp dạy võ của người Việt và trở thành những người thầy ở trong trường. Mẹ của Mathilde mang họ Nguyễn. Do vậy mà tên của cô gái Pháp này vẫn có một phần tên chữ Việt Nam – Mathilde Preault Nguyễn – như để nhắc nhớ Mathilde về nguồn gốc của mình.
Mẹ của Mathilde biết nấu một số món ăn Việt. Những người chú, người bác của Mathilde cũng vậy, họ đều là những người mang hai dòng máu Pháp – Việt. Được sinh ra trong đại gia đình như vậy, nên ngay từ nhỏ, Mathilde đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt. Lớn hơn một chút, hai chữ "quê hương" bắt đầu thôi thúc, khiến Mathilde muốn có cơ hội được trở về Việt Nam, trở về nguồn cội của mình.
Cho đến bây giờ, mong muốn đó đã trở thành hiện thực, Mathilde đã có một vài lần được về Việt Nam. Nhưng khác với những lần trước, Mathilde về Việt Nam lần này với tư cách một thực tập sinh tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội trong vòng một năm. Đây cũng là dịp để cô gái trẻ này được hòa mình trong môi trường sống và làm việc tại Việt Nam, hiểu về nơi vốn là quê hương, là sự khởi nguồn cho đại gia đình của cô bây giờ.
Mathilde chia sẻ: “Tuy có nhiều thay đổi so với ở Pháp khi sống tại Việt Nam, nhưng không có vấn đề gì cả. Tôi có cả một gia đình Việt Nam và họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều”.
Hai tháng đầu tiên khi đến Hà Nội, Mathilde đã ở nhà một người bác họ. Sau đó để tiện hơn cho công việc, Mathilde chuyển ra ở cùng với một vài người bạn nước ngoài, nhưng cũng tại một ngôi nhà cùng khu phố với nhà của bác. Và tuần nào Mathilde cũng qua nhà bác chơi. Mọi thành viên trong gia đình cũng đều dành cho Mathilde tình cảm và sự tiếp đón như đối với một con ở xa, lâu mới có dịp về nhà.
Lần đầu tiên được đón Tết tại quê nhà
Sự khác biệt về ngôn ngữ vẫn luôn là khó khăn chung đối với người nước ngoài khi ở Việt Nam. Nhưng Mathilde lại thuận lợi hơn ở chỗ, cô có một người em và một người anh họ từng là du học sinh tại Pháp nên họ nói tiếng Pháp rất tốt. Họ trở thành những người "thông ngôn" cho Mathilde trong những ngày đầu tiên ở Việt Nam. Tuy vậy, những khi họ đi làm, Mathilde ở nhà với bà, với những thành viên khác trong gia đình thì lại gặp khó khăn trong giao tiếp. Rồi có những lúc, có người thân khác đến đón đi chơi, cô cũng đi. Nhưng vì không biết tiếng nên cô bảo: "không biết được dẫn đi đâu" (cười).
Thế là Mathilde có thêm động lực để học tiếng Việt. Nếu trước đây, Mathilde chỉ biết chút ít thì bây giờ cô có thể nói được nhiều hơn, cùng với ngôn ngữ cơ thể và nhiều công cụ hỗ trợ khác, Mathilde đã có thể giao tiếp dễ dàng hơn với mọi thành viên trong gia đình.
Tuy không ăn được một số món như tiết canh, thịt chó,.... nhưng cô gái trẻ mang hai dòng máu Việt – Pháp này đã có thể sử dụng thành thạo đũa, ăn mắm tôm,... và mong ước có cơ hội đi đến nhiều vùng miền để thưởng thức hết các món ăn người Việt.
Kỷ niệm mà Mathilde nhớ nhất trong những ngày ở Việt Nam đó là được trở về ngôi nhà cũ – nơi cụ của Mathilde rời sang Pháp. Hiện nay ngôi nhà vẫn được các thế hệ sau giữ lại và sinh sống. Khoảnh khắc được chạm vào ngôi nhà thật xúc động bởi với Mathilde, cô đã được trở về với nguồn cội của mình.
Nói về văn hóa, con người Việt Nam, Mathilde cho biết: Cô không có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người hoàn toàn không biết tiếng Pháp (ngoại trừ một số người trong họ hàng) nên cũng không thấy có sự khác biệt quá lớn giữa người Pháp và người Việt. Tuy vậy, cô cảm nhận thấy rằng, người Việt Nam thẳng thắn và dễ nói chuyện với nhau hơn. Ở Việt Nam, mối quan hệ trong gia đình rất thân thiện, gần gũi, khi có việc gì thì mọi người hay gọi để giúp đỡ nhau. Trong các gia đình Việt Nam, tuy có nhiều thế hệ nhưng mọi người thường tuân theo những quy tắc chung như ăn theo giờ, cùng ăn với nhau.... Trong khi ở Pháp, mọi người sống độc lập với nhau hơn. Con cái đến tuổi trưởng thành đi ra ngoài sống. Hoặc sau khi kết hôn, người Pháp thường ra sống riêng, trong khi ở Việt Nam, mọi người vẫn sống cùng bố mẹ, ông bà. Điều này cũng tốt cho việc giáo dục con cháu.
Năm nay sẽ là cái Tết đầu tiên, Mathilde được ăn Tết tại Việt Nam, được đón năm mới ở một nơi không phải là nước Pháp. Ông bà của Mathilde cũng trở về Việt Nam để ăn Tết cùng gia đình. Tuy hơi buồn vì không được đón Noel và năm mới cùng gia đình và bạn bè ở Pháp, nhưng Mathilde rất háo hức mong chờ đến Tết cổ truyền của người Việt. Mathilde đã được nghe kể nhiều về bánh chưng, nhưng cô chưa có dịp được ăn nhất là lại được ăn vào đúng dịp Tết. Cô cũng sẽ được tận hưởng một Hà Nội bớt đông đúc, bớt chật chội trong những ngày đầu tiên của năm mới,... Đó sẽ là những kỷ niệm khó quên để cô gái Pháp mang trong mình cả dòng máu Việt mang theo khi trở về quê hương của Tháp Eiffel vào tháng 6 tới./.