Tết cười sảng khoái với “Lấy chồng trước Tết”
Giải trí - Ngày đăng : 12:59, 01/02/2014
“Lấy chồng trước Tết” nói về hành trình tìm chồng đầy bi hài của một cô gái 28 tuổi (tuyến truyện chính của phim) và cuộc tìm bạn tri kỉ trên Facebook của một đôi vợ chồng không tìm được hạnh phúc trong hôn nhân (tuyến truyện phụ của phim), thông điệp phim được thể hiện một cách nhẹ nhàng: hạnh phúc không ở đâu xa. Hạnh phúc ở ngay bên cạnh ta, trong trái tim ta. Khi chúng ta biết lắng nghe, thấu hiểu, trân trọng nhau, chính là khi ta nhận ra hạnh phúc đích thực của mình.
Nhân vật chính của phim Lấy chồng trước tết là Thu Cúc- hai mươi tám tuổi, làm công việc tô màu truyện tranh cho một công ty tư nhân. Cúc tình cờ gặp và có cảm tình với Cởi, anh chàng “kế hoạch” chuyên nghiên cứu kế hoạch hóa nhưng rất tiếc anh này lại có vợ rồi.
Cuộc sống phẳng lặng của Thu Cúc bắt đầu xáo trộn và trở nên gấp rút khi cô bất đắc dĩ bị gia đình đẩy vào cuộc tìm chồng để làm theo di nguỵên của cụ Tía: Cụ tía sống độc thân có rất nhiều tài sản, cụ sẽ di chúc cho Thu Cúc phần tài sản nhiều nhất nếu Thu Cúc lấy chồng trước Tết.
Được sự giúp đỡ bảo vệ của Khoái, chàng trai cùng làng lên phố làm nghề xe ôm mà bố mẹ Thu Cúc gửi gắm, Cúc tự tin bước vào việc tìm chồng. Khoái sốt sắng hăng hái tìm được cho Cúc chỗ lấy chồng- Trung tâm giới thiệu hôn nhân. Sau khi nghe tiêu chuẩn lấy chồng của Cúc: trí thức, người thành phố, chị Điệp phụ trách trung tâm giới thiệu cho Cúc 3 đối tượng. Nhưng với cả ba đối tượng này, Thu Cúc đều đi từ khấp khởi hi vọng tới thất vọng theo chiều tăng tiến. Khoái luôn ở gần đó để “giải cứu” cho Cúc.
Song song với việc Cúc tìm chồng, là cuộc tấn công của Huệ- người quản lý xưởng vẽ tranh của Cúc. Từ khi biết Cúc sẽ có được tài sản thừa kế kếch sù, Huệ ra sức tấn công Cúc càng ngày càng lộ liễu. Tán tỉnh thuyết phục mãi không được, Huệ quay sang đe dọa trù úm Cúc, Cúc hết bị cắt lương thưởng đến bị doạ đuổi nếu cô không nhận lời cầu hôn của Huệ.
Ngày đến tết ngày một gần, thời hạn lấy chồng sắp đến nhưng Cúc gần như bị rơi vào tình trạng bế tắc vì đã cố gắng nhưng không thể làm được theo ý bố mẹ và cụ Tía. Khoái là người đồng hành với Cúc, dần trở thành người đồng cảm và thấu hiểu lắng nghe tâm sự của Thu Cúc. Cuối cùng, Khoái tổng kết Thu Cúc đã không tự biết cần người chồng thế nào nên đã đưa ra những tiêu chuẩn hời hợt là người trí thức thành phố, thực ra cô cần một người có tình yêu, tế nhị và dám xả thân cho mình. Thu Cúc thừa nhận và thấy rằng thế lại càng khó hơn.
Cúc vẫn đi lại gặp gỡ Cởi. Hai người đều có cảm tình với nhau. Có những thoáng xao xuyến, có những lúc Cúc ngỡ Cởi có thể xả thân vì mình, nhưng tất cả dừng ở mức nửa vời vì những lý do chả giống ai của anh chàng “kế hoạch”... Cởi khiến Cúc đi từ niềm sung sướng tưởng Cởi xả thân vì mình khi đề nghị Cúc dẫn đến gặp Huệ để “dạy cho nó biết lễ độ”, nhưng đến khi Huệ trang bị dũng khí ra thì Cởi đã bỏ về vì “hết giờ thể thao”. Cởi hẹn sang tuần sau sẽ xử lý Huệ giúp Thu Cúc. Cúc đứng trước nguy cơ bị đuổi việc nếu “ông anh” Cúc không đến nhà kho gặp Huệ để giải quyết. Anh chàng Khoái trợ thủ tìm chồng bất đắc dĩ phải “đóng thế” đi gặp Huệ. Khoái bị thương thê thảm, nghĩ mình chết, nghẹn ngào thổ lộ tình yêu đơn phương với Thu Cúc. Thu Cúc nghẹn ngào nhận ra Khoái chính là tình yêu của Cúc, là người chồng mà cô cần tìm kiếm.
Bên cạnh cuộc tìm chồng của Thu Cúc, là câu chuỵên hài hước của vợ chồng Cởi- Điệp, là những câu chuyện dở cười dở khóc của tổ vẽ tranh hoạt hình- bốn người chưa vợ chưa chồng: Cúc, Đào, Mai và Huệ...
Mỗi nhân vật có được hình thái tính cách riêng, tạo tình huống hài như anh Cởi kế hoạch, các anh chàng trong đối tượng lựa chọn của Cúc qua trung tâm môi giới (Người đàn ông nhạt thếch, người đàn ông bị hen xuyễn, người đàn ông thứ ba đầy hứa hẹn hi vọng không ngờ là quả đắng tệ nhất khiến cô vừa thất vọng vừa mất tiền vô duyên...). Những tình huống được cường điệu hoá cho tính cách, hoàn cảnh nhân vật nhằm gây hài như chuỵên anh Huệ trưởng phòng tán Thu Cúc mãi không được thì tìm cách trả thù, trang bị quần áo đạo cụ giống Quan công ra nghênh chiến với Cởi- “anh họ” Cúc để thị uy, nhưng khi nhìn thấy dấu vết Cởi để lại trên thân cây tróc vỏ, “Quan công” “rét run” chực quay về. Nhưng sực nhớ Cởi đã không còn ở đó, “Quan công” hiên ngang “diễu võ”. Những sự cường điệu này có thể ít gặp ngoài đời thường, nhưng lại hợp với phong cách, không khí vui vẻ của phim Tết.
Ngoài ra, tính hài hước của phim này còn được tung tẩy nhiều ở thoại, ở chi tiết và dàn dựng của đạo diễn ở hiện trường. Ngay từ những phút đầu phim, khán giả đã liên tục được cười cùng với nhân vật, thậm chí một phút giây chờ đợi của anh chàng Khoái đợi mẹ con Cúc ở đầu làng cũng được đạo diễn thả một chú gà từ đâu bay tới (chi tiết không có trong kịch bản). Nhân vật giật mình thảng thốt, còn khán giả thì bật cười vui vẻ.
Kết phim là một cái kết có hậu và rất đẹp và lãng mạn: Trong màn mưa xuân phơi phới, hai đôi nhân vật cả chính (Thu Cúc với Khoái) và phụ (vợ chồng Cởi) nhận ra tình yêu của nhau. Họ hôn nhau say đắm, dịu dàng trong nét nhạc mùa xuân êm dịu. Thông điệp phim được thể hiện một cách nhẹ nhàng: hạnh phúc không ở đâu xa. Hạnh phúc ở ngay bên cạnh ta, trong trái tim ta. Khi chúng ta biết lắng nghe, thấu hiểu, trân trọng nhau, chính là khi ta nhận ra hạnh phúc đích thực của mình.
Với cách kể chuyện hài rất có duyên của đạo diễn Phạm Thanh Phong, hy vọng “Lấy chồng trước Tết” sẽ mang được nhiều tiếng cười và những dư âm đẹp đọng lại với khán giả trong mùa phim Tết năm nay.