Hà Nội sáu mươi mùa hoa nở...

Văn hóa - Ngày đăng : 10:38, 31/01/2014

(HNM) - Bây giờ đã là ngày mới của năm Giáp Ngọ. Vậy là Hà Nội của chúng ta đã có một Hoa giáp (60 năm) dựng xây và phát triển kể từ ngày Giải phóng Thủ đô 1954... Vâng! 60 năm giữa hai đầu Giáp Ngọ,


Nhắc đến hòa bình, tôi lại liên tưởng đến cụm từ này khi nó được dùng phổ biến cách nay 60 năm, lúc Hà Nội vừa giải phóng, nửa nước thanh bình... Tôi dám chắc ở Hà Nội ngoài cái tên Hà thân thương gợi tình yêu thành phố, thì những năm sau chiến tranh chống Pháp thắng lợi, có rất nhiều người được đặt tên là Hòa Bình hoặc Hòa và Bình... Cũng phải thôi, hòa bình độc lập luôn là khát vọng của dân tộc này tự bao đời... Còn gì vui hơn ngày đất nước hòa bình? Thế hệ ấy nay đã vào tuổi 60 cả rồi, có người nổi danh, có người vô danh, nhưng không sao, cái tên của họ đã mang một ký ức, một khát vọng đẹp...

Ảnh: Xuân Chính



Tôi nhớ hình ảnh những người lính lê dương Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên chiều đông năm 1954, có lẽ đó là hình ảnh cuối cùng của đội quân viễn chinh bại trận rời xứ sở Việt Nam và chính hình ảnh đó lại là sự bắt đầu của một ngày mới của Hà Nội dựng xây kiến thiết trong hòa bình... Còn vẳng đâu đây lời bài hát “Tiến về Hà Nội”, nhạc sĩ tài hoa Văn Cao đã viết: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố... Năm Cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh”. Hình ảnh tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban quân quản Hà Nội tươi cười trong vòng tay các thiếu nữ Hà Nội ngày ấy bên Hồ Gươm, chính là hình ảnh của Thủ đô ngày mới, của một Hà Nội mới...

Có thể lớp trẻ sẽ không cảm nhận hết nhịp đập của thành phố khi mới chỉ 60 năm thôi, chớp mắt ấy đã có một Hà Nội hôm nay, dù trái tim Thủ đô cùng đất nước trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy... Phải gồng mình lên vừa kiến thiết lại thành phố sau chiến tranh, sau những lần tiêu thổ kháng chiến... Phải là nơi đi đầu trong xây dựng hòa bình. Bao nhiêu khu phố mới mọc lên, bao nhiêu nhà máy, khu công nghiệp mọc lên để Thủ đô đủ sức lo cho cả nước, từ cái kim sợi chỉ, đến tấm áo chiến sĩ, đến máy móc thiết bị cho sản xuất và cả vũ khí cho chiến trường... Tất cả vì miền Nam ruột thịt. Những khu công nghiệp đến bây giờ nhắc lại vẫn là niềm tự hào của Hà Nội một thời. Những là KCN Thượng Đình nổi tiếng với “Cao Xà Lá”, những Mai Động - Minh Khai, Đông Anh - Phù Lỗ...

Thành phố này muôn thuở vẫn là kinh đô nước Việt. Đã từng là kinh đô Cổ Loa, nước Âu Lạc đời An Dương Vương, kinh đô Mê Linh nước Hùng Lạc đời Trưng Nữ Vương, kinh đô Long Biên nước Vạn Xuân đời Tiền Lý, kinh đô Thăng Long nước Đại Việt đời Lý Thái Tổ, kinh đô Đông Đô đời Lê Sơ và đời nhà Mạc, kinh đô Đông Kinh đời Lê Trung Hưng và đổi là Bắc thành đời Tây Sơn và đời Nguyễn (vua Minh Mạng đổi tên là Hà Nội). Một thời Hà Nội chỉ là Bắc thành, cố đô ngỡ còn trong dĩ vãng, nhưng Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ và Quốc hội khóa I quyết định lấy Hà Nội làm Thủ đô. Mới hay Thăng Long - Hà Nội, tự ngàn xưa đến hôm nay vẫn là nơi tụ nhân tụ thủy, nơi hội tụ lòng người tinh hoa đất trời nước Việt. Và sáu mươi năm qua Hà Nội xứng đáng với vị thế của mình: Trung tâm hành chính - chính trị của cả nước, là trung tâm văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục quan trọng của cả nước, là trung tâm kinh tế - dịch vụ và thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sáu mươi năm, chúng ta có một Hà Nội điềm nhiên vững vàng bản lĩnh, xứng đáng niềm tự hào vì vinh quang đất nước. Hà Nội là lương tâm trí tuệ, là danh dự của Tổ quốc Việt Nam. Vì lòng tự hào tự tôn dân tộc, vì danh dự Tổ quốc Việt Nam, bởi mất danh dự là mất hết. Có những lúc dưới mưa bom bão đạn kẻ thù, Hà Nội vẫn vững vàng thế trận nhân dân. Có những khi ngặt nghèo do thời thế, Hà Nội vẫn ung dung bình tĩnh cùng cả nước “thắt lưng buộc bụng” lo việc lớn, nghĩ tới tương lai... Hà Nội thành nỗi nhớ trong tim bao người dân Việt và không phải dân nước Việt vì thế. Tôi nhớ nhạc sĩ Hoàng Hiệp khi ông viết Nhớ về Hà Nội: Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình...

Sáu mươi năm xây dựng và lớn mạnh, Hà Nội có sáu năm mở rộng quy mô để bây giờ đạt tầm vóc một Thủ đô lớn bậc nhất nhì thế giới. Hình hài mới thành phố đang rõ nét từng ngày, hiển hiện trong hàng ngàn cao ốc, building, trong vóc dáng những công trình hiện đại... Bạn tôi vừa ở miền Nam ra bảo: “Mới có ba năm thôi mà nay đi giữa Hà Nội bỗng lạc... tùm lum. Nhiều phố mới lạ, nhiều công trình mới mọc lên, khiến không thể nào nhớ nổi đường xưa lối cũ...”. Phải thôi, bởi chính tôi, đương sống ở Hà Nội đây, thế mà khi đi qua nhiều khu phố mới cũng loay hoay mãi mới tìm được lối về. Đêm nay, chợt thấy trong cái rét ngọt cuối năm, phía công trường xây dựng cầu Nhật Tân vẫn lung linh ánh điện. Những người thợ cầu miệt mài với công việc của mình cho công trình nhanh chóng hoàn thành, để Hà Nội thêm một cây cầu đẹp nối đôi bờ thành phố... Và rất nhiều những công trình xây dựng đêm nay lấp lánh ánh lửa hàn... cho thấy một Hà Nội đang vươn nhanh trong quy hoạch xây dựng. Đi bên những tòa cao ốc vẫn ấm lòng khi những gì thuộc về di sản Thăng Long đang được nâng niu gìn giữ. Bản lĩnh văn hóa Hà Nội là phát triển mà không đánh mất không gian, đánh mất bản sắc của mình. Trong một chương trình truyền hình, tôi rất tâm đắc với ông Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khi ông có cái nhìn thấu đáo về không gian Hà Nội cổ và cũ. Đó là di sản, là tài sản ngàn năm Thăng Long mà cha ông để lại, chúng ta cần có ý thức giữ gìn...

Sáu mươi năm đọc lại Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài mới thấm cái bứt phá của Hà Nội qua bấy nhiêu gian khó và khốc liệt. Một Hà Nội lam lũ và thương khó ngày nào trong văn Tô Hoài làm ta tin yêu thêm cuộc sống hôm nay...

Hình như với Hà Nội, mùa Xuân đến sớm hơn. Xuân lấp lánh trên những nụ đào Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân lấp lánh trong ánh mắt rạng ngời của những chàng trai cô gái náo nức đi đón mùa Xuân trên phố, dù cái rét ngọt cuối năm còn phảng phất trong cây, trong gió...

Sáu mươi năm có thể là gần ngót một đời người, nhưng với thời gian và lịch sử, chỉ là cái chớp mắt. Trong cái chớp mắt ấy, dẫu qua nhiều thử thách và biến cố lịch sử, Hà Nội vẫn là Hà Nội của Thăng Long thuở nào: Hào hoa, lịch lãm. Sau sáu mươi năm kể từ ngày giải phóng và sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, chúng ta đã và đang có một Hà Nội hiện đại mà vẫn giữ lại được giá trị của quá khứ hào hùng... Khó tìm nơi đâu trên thế gian này một thành phố bình yên, thân thiện. Một thành phố văn hiến và đang vươn mình lớn dậy - xứng đáng Thành phố Vì hòa bình...

Tùy bút của Tân Linh