Một nét đẹp trong văn hóa ngày 30 Tết
Xã hội - Ngày đăng : 19:03, 30/01/2014
Có thể nói đã trở thành truyền thống, ở các làng quê ven đô Hà Nội, chiều 30 Tết thường là thời gian thích hợp để nhiều người cùng nhau ra nghĩa trang mời các cụ, ông bà, tổ tiên, những người thân đã khuất núi “về” ăn Tết với con cháu. Trên tay người nào cũng cầm thẻ hương, bó hoa tươi; nhiều người còn cẩn thận mang cả chổi, thùng, khăn lau để xách nước, quét dọn mộ phần của người thân với tâm niệm dọn dẹp “nhà cửa” của người đã khuất cho sạch sẽ để đón 3 ngày Tết. Sau khi quét dọn xong, họ trang đặt hoa tươi, thắp nén nhang, khấn nôm và vái lạy mời các cụ “về” nhà ăn Tết. Ở nhà, trên ban thờ tổ tiên, người nhà đã sửa soạn mâm cơm thắp hương các cụ ngày 30 Tết...
Con cháu thành kính thắp hương trước mộ phần tổ tiên, ông bà, cha mẹ-những người đã khuất núi mời các vị "về" nhà ăn Tết (ảnh chụp chiều 30 Tết Giáp Ngọ-2014 tại một làng ven đô Hà Nội) |
Tất nhiên, trong năm, nhiều người còn đi tảo mộ vào tiết Thanh Minh hoặc ngày giỗ của người đã khuất. Nhưng có thể nói, việc ra nghĩa trang thắp hương mời tổ tiên thực sự là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt trong dịp Tết đến, Xuân về, thể hiện đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, có tổ tiên thì mới có mình ngày hôm nay.