Nét duyên thầm, Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 08:06, 30/01/2014
Dịu dàng hoa Hà Nội
Giáp Tết là những ngày cập rập hơn cả. Nhưng lúc ấy, cứ thử đi chậm lại sau những hàng hoa rong trên phố, người ta sẽ nhận được món quà quý đến vô ngần. Những chiếc xe đạp cũ kỹ đang chở Xuân về. Những lay ơn, thược dược, viôlet, đào bích, đào phai... thường ngày rất khó tìm, bỗng nở bung trên những gánh hàng. Lúc ấy, người ta chợt nhận ra, người Hà Nội vẫn ưa sống bằng hoài niệm. Dù nhiều kỳ hoa, dị thảo, cứ Tết đến xuân về, người Hà Nội lại trở về với loài hoa “của ngày xưa ấy”. Không gian như được sưởi ấm lên cùng với những vòng quay xe đạp. Thử hỏi có nơi nào xuân về trên phố theo một cách dịu dàng như thế?
Nhịp sống ngày một gấp gáp hơn. Mỗi sáng, phóng xe vội vã đến cơ quan, sau tám tiếng vùi đầu vào công việc, một đống việc nhà đang đợi khiến người ta khó mà thong dong khi trở về. Người ta quên mất, Hà Nội không phải cô gái mang vẻ đẹp rực rỡ. Hà Nội là cô gái mang duyên thầm...
Thú vị nơi ngõ nhỏ
Những người sống lâu năm ở Hà Nội hay chọn đặc trưng của đất Kẻ Chợ là những con ngõ. Mỗi người có một cái lý riêng. Tôi thích những con ngõ ở sự bất ngờ. Ngõ Tạm Thương giờ nổi tiếng là một con ngõ quà vặt của giới trẻ. Đi hết một quãng con ngõ ồn ào thì một thứ rất thân thuộc bỗng hiện lên. Một mái đền thẫm nâu, đền Yên Thái. Không gian bỗng mở rộng ra khi bước vào đền. Ngoài ồn ã thế, mà đây thật yên tĩnh. Ai ngờ được, giữa mảnh đất người ta dè sẻn từng xăngtimét, lòng người vẫn có chỗ dành cho nguồn cội. Ai ngờ, không gian tịch mịch này lại lọt giữa phố thị ồn ào. Vào sâu hơn nữa, chợt nhận ra ngõ nhỏ, nên người ta làm gì cũng nhẹ nhàng hơn để khỏi ảnh hưởng đến láng giềng. Dường như trong những con ngõ này ta mới tìm được “chất Hà Nội”, chứ không phải cái chao chát ở những cửa hiệu mặt tiền...
Phố Đinh Liệt đã nhỏ như một con ngõ, nhưng cạnh đó còn con ngõ nhỏ hơn nữa. Ngõ Trung Yên. Khách lạ rất ít người đặt chân đến ngõ Trung Yên. Người phố cổ thì khác. Bất kỳ người phố cổ nào chưa ăn phở Sướng khó được coi là người Hà Nội gốc. Quán chật chội và không có ánh sáng mặt trời. Nhưng từ sáng đến tối lúc nào cũng đông khách. Có người bảo phở Sướng là “Hà Nội nhất trong các quán phở Hà Nội”. Người lạ đến quán thế nào cũng tự hỏi: Sao ông chủ không “phổ biến hóa” cái vị phở đặc biệt này bằng chuỗi cửa hàng để mọi người cùng thưởng thức? Nếu đem câu hỏi này đến những người Hà Nội cũ kỹ, hẳn câu trả lời sẽ là: Hà Nội là như vậy đấy!
Cách đấy vài bước chân, ngõ số 6 Đinh Liệt. Con ngõ chỉ vừa một người đi. Nếu có người đi xe từ trong ra thì một người phải dừng lại đợi. Mười người thì gần cả mười coi con ngõ ấy là một sự rất thường. Nhưng nếu đi vào phía cuối con ngõ, một không gian xanh chợt mở ra. Những cây cau tứ thời vươn lên cao vút giữa màu xanh um của cây và lá. Lại nữa, còn cả một cái giếng thơi đã cũ ở khoảng vườn. Đó là khu biệt thự - nhà vườn duy nhất còn lại của phố cổ. Ngôi nhà hai tầng thoang thoáng bóng dáng kiến trúc Pháp, nhưng vẫn đậm dấu ấn Việt. Một sự pha trộn hài hòa. Những mái ngói tỏa xuống rồi lại vút lên ở đầu đao, cái đầu đao chực muốn bay lên với hình ảnh rồng mây ẩn hiện... Trong căn nhà cổ ấy có những người Hà Nội “rất cũ” - con cháu dòng họ Phạm, dòng họ nhiều đời sống ở Thăng Long. Không chỉ nét kiến trúc, gia tộc này còn là một “bảo tàng” về nếp sống Tràng An.
Ai là người đã khám phá hết những con ngõ Kẻ Chợ? Câu trả lời hẳn là chưa ai từng. Ngõ Hà Hồi như một bài thơ mùa thu. Riêng ngõ Chợ Đồng Xuân đã có thể viết lên một vài cuốn sách về ẩm thực rồi. Ngõ Phất Lộc cũng vậy. Lại còn bao nhiêu ngõ có tên và không tên khác. Những lúc miên man như thế, tôi ngờ rằng, Hà Nội đang “giấu” những gì thú vị nhất trong những con ngõ khuất khúc kia.
Lắng nghe cổ thụ thầm thì
Đôi khi, tôi nghĩ: Nếu có ngôn ngữ giống con người, cây cổ thụ ở Hà Nội sẽ là những kho chuyện không bao giờ hết. Phần lớn cây cổ thụ Hà Nội gắn với những di tích lịch sử - văn hóa. Khi trồng cây, người xưa gửi kèm vào đó ước vọng về sự vững bền. Nếu nói về những “cụ” cây cao niên nhất ở Hà Nội, không thể bỏ qua rặng muỗm ở đền Voi Phục (phố Thụy Khuê). Theo đánh giá của những nhà khoa học, rặng muỗm tại đây có tuổi đời thấp nhất cũng phải là 700 năm. Thậm chí, có những cây có thể lên đến gần 1.000 năm tuổi. Giữa xum xuê cổ thụ, ta hình dung rõ hơn về quá khứ xa xăm của mảnh đất ven hồ Tây này, càng hiểu thêm về lịch sử của Thăng Long văn vật.
Cây bên hồ Gươm cũng chứa nhiều câu chuyện thi vị. “Cụ” đa trong khuôn viên Báo Nhân Dân có tuổi tới 400 năm. Cây lộc vừng nổi tiếng đối diện với “cụ” đa bên kia hồ cũng đứng đó chừng ba thế kỷ. Cây lộc vừng này đã làm nên tên tuổi của biết bao nghệ sỹ nhiếp ảnh, cũng khiến biết bao khách gần xa say lòng mỗi mùa hoa, hay mùa cây đổi lá. Cây lộc vừng đẹp ở mọi góc nhìn. Hôm nay đây, người người không kể trẻ già thích ghi lại hình ảnh “cụ” lộc vừng này. Hẳn trăm năm trước, tài tử giai nhân của Thăng Long - Kẻ Chợ cũng dập dìu bên gốc cây già. Vì sao lại thế? Bởi thời thế có thể đổi thay, nhưng quan niệm về cái đẹp chẳng bao giờ thay đổi. Đi ngược một quãng từ gốc cây lộc vừng này lên đoạn Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, lại là một cây bồ đề đầy kỷ niệm khác. Cây bồ đề này không xum xuê, to lớn. Nhưng đây lại là nơi gắn chiếc loa phóng thanh từ thời chống Mỹ. Ngày ấy, các phương tiện truyền thông đều rất hiếm. Người Hà Nội thường đứng dưới gốc cây này ngóng những tin chiến thắng từ miền Nam gửi ra, hoặc đứng đây để nghe Bác đọc thơ chúc Tết... Cây gạo to lớn bên Hồ Gươm lại có một “lai lịch” khá đặc biệt. Khi xây toà thị chính của Hà Nội, người Pháp đã cho trồng cây gạo này, vì họ hy vọng rằng ma quỷ sẽ đến đậu ở cây gạo chứ không đến quấy nhiễu (do ảnh hưởng quan niệm cây gạo có ma, cây đa có thần).
Liệu bao giờ người ta mới có thể khai thác hết những câu chuyện chung quanh cây Hà Nội? Lại một câu hỏi khó trả lời. Chỉ biết rằng, ở mảnh đất này, khi ta lắng lòng, ta như được nghe cổ thụ rì rầm kể chuyện ngàn xưa.
Làng trong phố
Đến Hà Nội, đừng ngạc nhiên khi giữa phố có cổng làng. Bởi trước khi có phố, Thăng Long đã có làng. Khu vực phố Đội Cấn, vẫn còn cổng làng Đại Yên. Cách đó không xa, có cổng làng Thành Công. Đặc biệt nhất, khu vực cuối phố Thụy Khuê, có đến năm cái cổng làng, mỗi cái có tên gọi riêng như: Cổng Giếng, cổng Xanh... Cái thú vị hơn cả kiến trúc là những thông điệp ở cổng làng cổ ấy. Cổng Giáp Đông - làng Hồ Khẩu (cũ, nay thuộc quận Tây Hồ) có đôi câu đối: Mỹ tục thuần phong vĩnh chiếu Tây Hồ minh kính/ Thiện ngôn, hảo sự trường lưu mạt lỵ danh hương (tạm dịch: Mỹ tục thuần phong soi gương Tây Hồ trong sáng/ Nói hay, làm tốt, xứng danh thơm ngát hương nhài). Cổng làng Giáp Nhất (nay thuộc quận Cầu Giấy) cũng có một câu đối rất hay: “Xuất môn như kiến đại tân, xử dân như thừa đại tế/ Xử thế bất dư quy củ, lập thân hữu chuẩn kỷ cương” (tạm dịch là: Ra ngoài như gặp khách quý, hành xử với dân như làm việc cúng tế/ Hành xử ngoài xã hội không làm điều ngoài quy củ, lập thân tuân thủ kỷ cương).
Nếu cứ dành thời gian mà nghiền ngẫm thông điệp của tiền nhân từ những cổng làng, có lẽ cả đời chẳng hết. Phải chăng ta đã quá vô tâm khi không dịch chúng ra để con cháu hôm nay và mai sau cùng được nghe những lời tâm huyết của cha ông? Phải chăng chính chúng ta quá vô tâm khi “ngọc trong tay áo” mà không nhận ra?
*
Hà Nội không phải những món ăn sẵn. Càng không dành cho những người ưa đồ fast food - những món ăn nhanh. Hà Nội không phải những công trình được đo bằng con số chỉ chiều cao hay bề rộng. Muôn năm nữa vẫn vậy. Hà Nội chỉ đẹp nếu được đo bằng sự cảm nhận, bằng cả tấm lòng...