Miếng ngon Kẻ Chợ
Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 29/01/2014
Những hàng quà nổi tiếng trong chợ, những hàng rong len lỏi trong mỗi ngõ ngách của Kẻ Chợ - Kinh kỳ từ lâu đã trở thành một phần đặc trưng và ở góc độ nào đó, đây là những nét văn hóa không thể thiếu của Kẻ Chợ xưa, Hà Nội nay. Giới văn nhân cũng đã dành không ít giấy mực cho đề tài này, mỗi người có một cảm nhận riêng nhưng đều có chung nhận xét, dù là món ăn ở trong các chợ, trên vỉa hè hay những gánh hàng rong đều có phong vị và ẩn chứa những nét tinh tế. Miếng ngon ở nơi gọi là hàng phố, không cầu kỳ, không phải cao lương mỹ vị nhưng đều vừa miệng khách sành ăn dù họ là ai...
Bún ốc, một trong những món ngon của ẩm thực Hà Thành. Ảnh: Viết Thành |
Trải qua bao thăng trầm, Thăng Long - Kẻ Chợ xưa - Hà Nội ngày nay đã có nhiều thay đổi. Ba mươi sáu phố phường thu hút dân buôn bán tứ xứ, người làm thuê ngoại tỉnh đến lập nghiệp... Cái tên gọi "Kẻ Chợ" cũng không còn được nhắc đến nhiều như trước, nhưng người ta vẫn hoài niệm về một Hà Nội rất xa xưa qua những gánh hàng rong, những món ăn dân dã mộc mạc, và ẩm thực nơi góc phố, vỉa hè đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Ăn không chỉ để no mà còn là một nếp văn hóa. Với những người dân phố cổ, ăn cái gì vào mùa nào, ăn như thế nào là một phần trong cuộc sống, in đậm nét văn hóa của người Kẻ Chợ.
Ngày áp Tết se lạnh, gánh bún riêu có sức hút đặc biệt. Không biết Hà Nội có bao nhiêu hàng bún riêu, nhưng những gánh bún của các bà, các chị ngồi nép nơi góc phố, góc chợ có lực hấp dẫn riêng và lúc nào cũng đông khách. Đôi quang gánh trĩu nặng, một bên là nồi riêu bỏng rẫy, bên kia là thúng bún, mẹt rau sống bắt mắt. Những cái ghế nhựa thấp tè, chằng chịt băng dính dành cho cả người lao động và cánh quần là áo lượt. Khi bà chủ hàng hé mở vung nồi, hương thơm quyến rũ tỏa ra. Bún chần qua nước sôi, chan riêu cua vàng óng, cho thêm ít hành tươi, hành phi, thế là sì soạp, mặt ửng đỏ và mồ hôi rịn ra trên trán.
Ngày nhỏ, tôi không có ước ao gì hơn là được mẹ cho mấy đồng để sà vào hàng bánh đúc. Thứ quà quê bình dị, mộc mạc của vùng nông thôn, nhưng lại có sức hấp dẫn với dân thị thành. Bánh đúc lạc chấm tương đậm đà béo ngậy, bánh đúc nộm thanh mát, nhẹ nhàng. Bánh đúc len vào những bữa quà chiều ở chốn kinh thành từ lúc nào không rõ, nhưng khi người ta thưởng thức từng miếng bánh đúc xắt nhỏ chấm tương hay húp bánh đúc nộm trộn giá với lạc trên vỉa hè thì kể như đã có thể tạm quên cái cảm giác lo toan, bận rộn của sự mưu sinh thường nhật. Vị ngọt lừ của tương, giòn và mỡ màng của bánh đúc, cả mùi vôi nồng nồng như đưa người ta đi về miền quê xa xôi nào đó, ấm áp mùi rơm rạ.
Bún đậu cũng là thứ hấp dẫn người xa xứ khi trở lại đất Kinh kỳ. Bát mắm tôm thơm mùi đồng bãi, vắt chút chanh rồi đánh cho sủi bọt, tỏa hương đặc biệt kích thích những cánh mũi hít hà. Chảo dầu sôi réo tí tách trên bếp than đỏ rực. Những miếng đậu Mơ thả từ từ, ngập dầu, phồng lên vàng ruộm. Những sợi bún trắng ngần cuộn tròn trong chiếc lá dong, giở khẽ ra đã thấy nhè nhẹ mùi thơm của bột gạo, vị hơi chua của bún. Thêm một chút ớt cay, chút đường, sà miếng đậu nóng hổi vào. Cái giòn của sợi bún, vị cay của ớt, vị đậm ngọt của mắm tôm hòa vào nhau, ăn đến căng tròn bụng mà vẫn thòm thèm.
Trong ký ức bất cứ ai cũng gói ghém một món ăn, mà một lúc nào đó lại thèm, lại nhớ… Nhịp sống nơi đô thị đã khác và khi những cửa hàng sang trọng, những sơn hào hải vị không còn sức hấp dẫn, nhiều người đã tìm về với những gì thân thuộc, gần gũi và bình dị, những món ăn đậm chất quê. Thế nhưng có một điều rất ít biến đổi là những "miếng ngon" như một phần tâm thức. Có người chẳng quen biết nhau, nhưng do cùng chung sở thích ăn mà tìm đến nhau bầu bạn. Có chị bán hàng rong thuộc từng viên gạch vỡ của hè phố, có thực khách thuộc từng vết sẹo lồi lõm nơi gốc cây lim, cây muồng. Tất cả làm nên một cái gì đó rất riêng của Hà Nội. Trong cái lạnh và những hạt mưa dè dặt gọi Xuân về, lang thang trong phố cổ, tìm đến những gánh hàng ẩm thực đã gắn với một con phố, một góc vỉa hè sẽ bắt gặp rất nhiều điều thú vị.