Nỗ lực xóa “vùng trắng” công nghệ thông tin

Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 29/01/2014

(HNM) - Đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương đạt thứ hạng cao về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước (đứng thứ hai năm 2012).


Đồng bộ 3 giải pháp

Phát biểu tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội, lãnh đạo UBND thành phố từng đánh giá, trước khi mở rộng địa giới hành chính, một số địa phương của Hà Nội trước đây ứng dụng CNTT chưa tốt, nhưng ở nhiều địa phương thuộc Hà Tây trước đây việc ứng dụng còn kém hơn. Lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội cũng từng cho rằng nhiều huyện của Hà Tây trước đây là "vùng trắng" về ứng dụng CNTT… Nói lại như vậy để có thể hình dung phần nào về sự nỗ lực của thành phố trong việc dần "lấp" khoảng trống về ứng dụng CNTT giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Tây trước đây để thu hẹp khoảng cách với các đơn vị của Hà Nội; hoặc giữa các huyện ngoại thành với các quận nội thành để có kết quả vươn lên vị trí số 2 trong cả nước về ứng dụng CNTT.

Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Kim Mã (quận Ba Đình). Ảnh: Bảo Kha



Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo với những mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) trên địa bàn. Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư cho hạ tầng, phần mềm và nguồn nhân lực. Hạ tầng kỹ thuật dùng chung được đầu tư gồm: thiết lập mạng diện rộng kết nối đến 100% sở, ngành, quận, huyện; xây dựng trung tâm dữ liệu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ (máy tính/cán bộ đạt tỷ lệ 95% khối sở, ngành, quận, huyện; 65% khối xã, phường; trang bị máy chủ; mạng nội bộ). Thiết lập "cơ quan điện tử" với việc ứng dụng một loạt phần mềm (cài đặt 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp tại sở, ngành, quận, huyện, 50% ở xã, phường, thị trấn… Cài đặt 100% phần mềm một cửa điện tử tại các quận, huyện, thị xã; 86% các sở, ban, ngành; 50% phường, xã, thị trấn… Xây dựng 19 cơ sở dữ liệu phục vụ điều hành của CQNN phục vụ công dân và doanh nghiệp. Bên cạnh việc ban hành chính sách nhằm tạo hành lang cho hoạt động ứng dụng, đầu tư, thành phố còn mở các lớp đào tạo, tổ chức tập huấn, tham quan nhằm trang bị kiến thức CNTT cho lãnh đạo, cán bộ và đội ngũ công chức, viên chức; đồng thời ra các văn bản quy định hỗ trợ trực tiếp về thu nhập cho người làm việc liên quan đến CNTT, như ban hành quyết định nâng mức hỗ trợ thu nhập cho cán bộ CNTT, bưu chính viễn thông trong CQNN; quy định mức hỗ trợ nhuận bút cho người viết tin, bài cho các trang, cổng giao tiếp điện tử của đơn vị…

Ưu tiên đầu tư cho ngoại thành

Hà Nội đã xây dựng hạ tầng khá đồng bộ tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nội bộ, người dân và doanh nghiệp tạo sức lan tỏa đến các cấp đơn vị cơ sở. Tại lễ trao giải thưởng về ứng dụng CNTT trong CQNN thành phố, với giải cá nhân, một số lãnh đạo phụ trách CNTT và cán bộ phụ trách CNTT các đơn vị như Cục Thuế, quận Long Biên, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) đã được trao giải vì đã có thành tích thúc đẩy ứng dụng tại đơn vị. Nhiều ban chỉ đạo cơ sở hoạt động rất quyết liệt, quận Long Biên là đơn vị đứng thứ nhất khối quận.

Nhiều địa phương đã đầu tư cho ứng dụng CNTT, nhất là ở các quận nội thành. Trong một số chương trình, dự án thí điểm ứng dụng CNTT cho các đơn vị ở một số huyện ngoại thành cũng được lựa chọn. Huyện Thanh Oai là một trong 5 đơn vị được Sở Kế hoạch và Đầu tư chọn thí điểm triển khai việc cấp phép kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh các đơn vị ứng dụng CNTT hiệu quả như huyện Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh, vẫn còn một số huyện có kết quả chưa tốt trong đó có nguyên nhân là hạ tầng chưa đồng bộ… Lãnh đạo Ban chỉ đạo CNTT TP Hà Nội cho biết, sẽ ưu tiên đầu
tư cho các huyện ngoại thành để thúc đẩy ứng dụng CNTT.

Với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, sự quyết tâm của các cấp trong triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc ứng dụng CNTT hiệu quả không chỉ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn là quá trình để tiến tới sự minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước, minh bạch với người dân, doanh nghiệp.

Việt Nga