Tìm về nét đẹp cội nguồn
Văn hóa - Ngày đăng : 06:43, 29/01/2014
Dù được tổ chức ở nhiều điểm khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau, song các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội chợ, triển lãm đón Xuân Giáp Ngọ diễn ra trên địa bàn Thủ đô có điểm chung là tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, mang lại "phong vị" Tết cổ truyền hiếm nơi nào có được.
Dù hối hả, dù tất bật mua sắm Tết nhưng năm nào cũng vậy, người Hà Nội không bao giờ bỏ qua những "món ăn tinh thần" hấp dẫn trong dịp đón năm mới. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, năm nay, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã tổ chức Hội Xuân Giáp Ngọ Hà Nội tại Cung Thể thao Quần Ngựa. Đến đây, người dân vừa có thể mua sắm những sản phẩm thiết yếu phục vụ Tết, thưởng thức ẩm thực đặc trưng các vùng miền, vừa được hòa mình vào không gian văn hóa, lễ hội vui nhộn với trò kéo co, đi cà kheo... Ngoài Hội Xuân Hà Nội, những người con xa quê sinh sống và làm việc tại Thủ đô như được trở về với quê hương, với nguồn cội khi thấy rất nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm truyền thống của quê mình được bày bán, giới thiệu trong Hội chợ Xuân tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Ba Đình), Trung tâm Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế thương mại (Cầu Giấy), Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (Hai Bà Trưng)... Đặc biệt, Triển lãm "Tết của người Hà Nội" tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long giúp người dân Thủ đô và du khách hiểu hơn về phiên chợ Tết, về cách người Hà Nội ăn Tết, cách người Hà Nội chế biến các món ăn truyền thống ngày Tết…
Người Hà Nội xin chữ đầu Xuân. Ảnh: Viết Thành |
Hà Nội bắn pháo hoa tại 29 địa điểm Chào đón Xuân mới Giáp Ngọ, TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chào mừng. Đêm Giao thừa, 29/29 quận, huyện, thị xã đều bắn pháo hoa và biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Cùng thời gian đó, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc sẽ diễn ra tại đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây…, biểu diễn xiếc tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đầu xuân, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có thi đấu cờ người, cờ tướng, nói chuyện thơ xuân… |
Một địa chỉ không thể bỏ qua với những người yêu Tết truyền thống là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy). Tại đây, cây nêu, cây đu đã được dựng lên, không khí Tết đã rộn ràng với nghi thức trình diễn gói bánh chưng... Đến Bảo tàng Dân tộc học vào những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ (bắt đầu từ mùng 4 Tết), công chúng sẽ có cơ hội học viết thư pháp, in tranh Ðông Hồ, làm nón Ba Giang, dệt chiếu Nghèn; xem hát ca trù Cổ Ðạm, dân ca ví dặm, hát sắc bùa (Hà Tĩnh); chơi trò đánh đu, nhảy sạp, nặn tò he, mặc thử trang phục các dân tộc… Tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) trong những ngày Tết cận kề, đồng bào các dân tộc đến từ tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Bình Thuận, Kon Tum và Lâm Đồng đang tập dượt các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách trong ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" diễn ra từ ngày 15 đến 17-2 (16-18 tháng Giêng). Đó là lễ hội bắt chồng của dân tộc Chu Ru (Lâm Đồng), hội đua ngựa của dân tộc Mông, hội làng mừng năm mới của người Dao ở làng Bằng Cả, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), lễ cầu an, cầu mưa thuận gió hòa dân tộc Lô Lô (Hà Giang), lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam)… "Ngày hội không chỉ có ý nghĩa tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mà còn là dịp giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam", ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng BQL Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam khẳng định.
Với mong muốn giữ lại nét xưa của Hà Nội, năm nay, Sở VH,TT&DL Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng đưa phố "ông Đồ" trên đường Văn Miếu (cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám) trước đây vào khu vực hồ Văn. Việc chuyển địa điểm phố "ông Đồ" tuy có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng rõ ràng nét đẹp xin chữ đầu xuân của người Hà Nội luôn được quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Ông Trần Văn Đông (phường Văn Miếu, quận Đống Đa) nhận định: "Hàng trăm năm nay, hình ảnh các "ông Đồ" "Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua" đã đi vào thơ ca, đi vào tiềm thức của mỗi người dân Hà Nội, trở thành nét đẹp văn hóa của đất Kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Trong nhịp sống hiện đại, phố "ông Đồ" họp trên vỉa hè gây ảnh hưởng đến giao thông và trật tự đô thị, nên việc điều chỉnh cho phù hợp là tất yếu. Mong muốn của người dân cũng là quan điểm của các cơ quan chức năng trước luồng ý kiến trái chiều về việc chuyển địa điểm phố "ông Đồ".
Ngoài những địa chỉ vui chơi quen thuộc, đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô cũng tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Khán giả yêu nghệ thuật chèo sẽ có cơ hội thưởng thức chương trình "Mừng Xuân Giáp Ngọ" do hơn 100 nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn liên tục tại rạp Kim Mã (Hà Nội). Điểm nhấn của chương trình là những vở diễn cổ như: "Lưu Bình - Dương Lễ", "Tống Trân, Cúc Hoa", "Quan âm Thị Kính"... Bắt đầu từ ngày 2-2 (mùng 3 Tết), tại Rạp xiếc Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ biểu diễn chương trình xiếc đặc biệt gồm nhiều tiết mục từng đoạt giải cao trong các cuộc liên hoan trong nước, quốc tế phục vụ công chúng Thủ đô.
Chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội chợ, triển lãm diễn ra liên tục, sôi nổi trên địa bàn Thủ đô sẽ mang lại không khí Tết, không khí xuân rất riêng cho Hà Nội.
Trên màn ảnh nhỏ, ngoài chương trình "Gặp nhau cuối năm", khán giả cả nước có thể theo dõi chương trình "Đón Tết cùng VTV" với chủ đề "Những cánh thư xuân" trước thời điểm Giao thừa để cảm nhận sâu sắc tình yêu thương giữa con người với con người, với gia đình, với quê hương, đất nước. Tiếp đó, tối 31-1 (mùng 1 Tết), VTV1 sẽ phát sóng chương trình nghệ thuật tổng hợp "Ca nhạc Chào xuân" với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ được công chúng mến mộ như: Thanh Bùi, Bảo Trang - Bảo Trâm, Tùng Dương, Đinh Hương… "Tết Đồ Rê Mí" với chủ đề tìm hiểu trang phục Tết của các dân tộc Việt Nam phát sóng trên VTV3 vào tối 1-2 (mùng 2 Tết) sẽ giúp các cháu thiếu nhi hiểu hơn về văn hóa truyền thống. |