Yên Trung bừng sắc xuân
Xã hội - Ngày đăng : 06:35, 29/01/2014
Giới thiệu về quê hương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung - ông Đinh Công Tuân không giấu nổi tự hào. Năm qua, được đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố, bộ mặt thôn làng đã thay đổi rất nhiều. Các công trình điện, đường, trường, trạm theo chuẩn quốc gia được xây dựng đồng bộ. Ánh sáng văn minh, nếp sống đô thị lan tỏa các mặt đời sống tới từng hộ gia đình.
Một ngôi trường khang trang, rộng rãi, có đủ chức năng tổng hợp cho 5 môn thể thao, hệ thống các phòng thí nghiệm đã được dựng lên. Cơn mưa trái mùa không còn là nỗi lo, tan học, những đứa trẻ bình thản đạp xe về nhà. Đây là điều khác hẳn với 5 năm trước. Cô bé Nguyễn Thị Như, dân tộc Mường, học sinh lớp 9A, vẫn nhớ như in cái cảm giác sợ hãi mỗi khi trời mưa to, nước lũ tràn bờ khiến em cùng các bạn ở thôn Hội, thôn Hương không sao về nhà được. Khi ấy, việc mỗi ngày vượt qua 4km đường đất trơn trượt để đến trường thật vất vả. Từ khi có ngôi trường mới xây dựng theo chuẩn quốc gia, rồi 100% đường liên thôn trong xã được bê tông hóa, Như và các bạn đi học thật dễ dàng. Được quan tâm cả về trang thiết bị, điều kiện sống, học sinh Yên Trung như được chắp cánh cho những ước mơ. Mấy năm gần đây, Yên Trung giành được nhiều giải cao các môn văn hóa, thể chất cấp huyện và thành phố. Số học sinh thi đỗ các trường cao đẳng, đại học ngày một nhiều…
Giờ đây người dân Yên Trung đã có những thay đổi cơ bản trong nhận thức. Không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, họ vươn tới cuộc sống ấm no bằng những hành động, việc làm cụ thể. Các cơ sở xay xát, chế biến gỗ và nhiều loại hình dịch vụ khác xuất hiện ngày càng nhiều, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Có điện, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng thêm thuận lợi. Các mô hình chăn nuôi lợn rừng, nhím, gà thả vườn... được nhân rộng theo hướng phát triển trang trại nhỏ. Cơ cấu ngành nghề dần thay đổi, tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ ngày một cao, các ngành nông - lâm - thủy sản đang thu hẹp dần. Người dân đang nỗ lực học hỏi, vươn lên làm giàu.
Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương cho biết, đồng bào Mường đón Tết bắt buộc phải có thịt lợn. Người ta chọn giống lợn ngon, tập trung vỗ béo rồi mổ vào ngày 28, 29 Tết. Đó là nguyên liệu để làm giò nạc, bánh chưng, bánh ống, bánh chéo khoeo… Nhà nào cũng chuẩn bị đầy đủ "cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui" cho cái Tết truyền thống trọn vẹn.
Khi những phiên chợ Tết bắt đầu họp, xóm làng nhộn nhịp hẳn lên. Đường vào thôn đều dựng cổng chào "Chúc mừng năm mới". Theo lệ xưa, tối 29 Tết, người dân tụ họp đông đủ ở nhà trưởng thôn, chuẩn bị các chương trình vui xuân. Chiều 30 Tết, đoàn thanh niên các thôn tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Không khí Tết tràn ngập khắp nơi. Đầu ngõ, cạnh cây nêu và lá cờ Tổ quốc, mỗi nhà lại treo thêm một bóng đèn điện…
Theo truyền thống, xã tổ chức lễ hội cho bà con vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết với những trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn… Dịp Tết cổ truyền, người Mường luôn sử dụng trang phục truyền thống, phần lớn đều do bà con tự làm, từ khâu dệt vải, nhuộm màu đến trang trí hoa văn. Người dân Yên Trung tự tin đón một mùa xuân no ấm, yên vui…