Tiến Xuân -Mảnh đất, tình người

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 29/01/2014

(HNM) - Mế Đinh Thị Tình tươi tắn đón chúng tôi trong bộ váy áo truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Váy xập xòe theo mỗi nhịp bước chân, những bông hoa đủ sắc màu thoắt ẩn thoắt hiện cùng tiếng lao xao của bộ xà tích bạc bên hông.

Tiến Xuân, quen mà lạ…

Trở lại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội chúng tôi có cảm giác "lạ mà quen". "Lạ" vì những thay đổi đáng mừng cho vùng đất bắc Lương Sơn cũ của tỉnh Hòa Bình, với sự "thay da đổi thịt" toàn diện và các địa danh giờ đều đã gắn bó mật thiết với đơn vị hành chính của Thủ đô. "Quen" vì con người, cảnh sắc và tấm lòng những người Mường nơi đây đều vẫn như đã từng gặp từ trước ngày 1-8-2008 (ngày Tiến Xuân chính thức về Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội). Trước thời khắc trọng đại này, Báo Hànộimới từng có loạt bài về Tiến Xuân và ba xã khác của tỉnh Hòa Bình trước "giờ G", về những bà con dân tộc Mường đang náo nức mong chờ ngày trở thành công dân Thủ đô, về những bộn bề lo toan thiếu thốn của một vùng đất thuần nông còn nhiều khó khăn. Vậy cũng đã hơn 5 năm… 

Mế Đinh Thị Tình và các em nhỏ Trường Tiểu học Tiến Xuân B, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.


Ngày đó, nói về Tiến Xuân cùng với Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân là nói về bốn xã xa xôi, heo hút. Nào là đường đi khó khăn, núi đồi trùng điệp, ban đêm chỉ có ánh đèn dầu heo hắt vì chưa có điện sinh hoạt... khiến nhiều người không khỏi ngại ngần. Nhưng đó là chuyện của 5 năm về trước. Bây giờ, đường về các xã được trải nhựa phẳng lỳ, ô tô, xe máy chạy bon bon qua những vạt ruộng thẳng cánh cò bay, những đồi sắn xanh mướt trải dài. Đường thôn ngõ xóm cũng được thảm bê tông sạch đẹp. Dọc bên đường và thấp thoáng giữa những tán cây là những ngôi nhà cao tầng, khang trang, hiện đại. Ðiện sinh hoạt được kéo về từng nhà. Tối đến, ánh đèn sáng trưng đường làng ngõ xóm, tiếng ti vi, tiếng đài loa rộn ràng..

Cuộc sống mới ở Tiến Xuân là thế, nhưng trong tâm trí, mế Đinh Thị Tình không quên những tháng ngày cách giờ chưa xa lắm, đám trẻ thôn Miễu 2, trong đó có ba đứa con của mế hằng ngày phải đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến được trường học nằm ở trung tâm của xã. Ngôi trường tiểu học ấy là trường chung cho cả 18 thôn và cách thôn Miễu 2 đến 7km, chưa kể còn phải băng qua một tuyến đường lớn. Ở Tiến Xuân có đến 70% bà con dân tộc Mường, cuộc sống chủ yếu trông vào cây lúa, cây ngô, cây sắn. Đất rộng, người thưa, không có nghề phụ, cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, lo ăn lo mặc ấm còn khó làm sao có thể tính chuyện làm đường, xây trường cho khang trang. Mế Tình kể, đường đi hồi đó, chỉ là đường đất lầy lội, nắng thì bụi mù, nhiều đoạn có suối chảy qua, chưa xây được cầu lúc mưa to, người lớn không thể đi nổi, nói gì đến học sinh tiểu học. Vì vậy, mỗi khi trời mưa là cha mẹ đứng ngồi không yên, thấy con về muộn một chút là phải đội mưa lội suối, lướt thướt đi tìm. Hồi đó nhà nào khá giả mới có xe đạp để đưa con đến trường, còn lũ trẻ chủ yếu đi bộ, bố mẹ thường bảo chúng phải đi thành nhóm 2-3 em để còn giúp đỡ lẫn nhau trên đường. Ngày nắng cũng như ngày mưa, những bàn chân nhỏ bé vượt cả một quãng đường xa đến lớp, nhiều hôm có em vấp ngã, đến được trường mà quần áo, sách vở lấm lem bùn đất khiến người lớn không khỏi xót xa. Đường đến trường khó khăn nên nhà nào quyết tâm lắm mới cho con đi học, mà cũng hiếm gia đình động viên cho con theo được đến cấp II, cấp III.

Những tấm lòng thơm thảo

Ông Bùi Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân đưa cho chúng tôi xem bản danh sách những hộ dân đã hiến đất, góp tiền, góp công xây dựng trường học, đường sá trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giọng phấn khởi: "Tiến Xuân hôm nay đã khác lắm rồi. Trong những năm qua xã đã được huyện và thành phố đầu tư nâng cấp 6 tuyến đường liên xã, liên thôn, tổng số nguồn vốn ngân sách đến 70 tỷ đồng. Ngoài ra, xã cũng huy động bà con đóng góp làm thêm nhiều tuyến đường bê tông nội thôn. Nhưng mừng nhất là vận động bà con hiến 2.961m2 đất xây Trường Mầm non của xã và 4.898,5m2 đất xây Trường Tiểu học Tiến Xuân B ở thôn Miễu 2, trong đó hộ bà Đinh Thị Tình đã hiến nhiều nhất, đến 700m2 và vận động thêm các hộ trong xóm cùng hiến đất. Có thêm trường mới, đường sá sạch đẹp, thuận tiện, con đường đến trường của học sinh Tiến Xuân giờ không còn vất vả, nguy hiểm. Thành phố và huyện đã nhiều lần tuyên dương tấm gương Người tốt việc tốt của bà Đinh Thị Tình. Mới đây nhất, trong Lễ kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-2013, bà được thành phố vinh danh là một trong những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Gặp chúng tôi, mế Đinh Thị Tình không nói nhiều về mình, càng không nói nhiều đến quyết định hiến 700m2 đất của gia đình để xây dựng Trường Tiểu học Tiến Xuân B. Mế chỉ kể về những ngày xưa thiếu thốn, đám trẻ đi học xa vất vả và phấn khởi với niềm vui hôm nay khi có một ngôi trường ngay cạnh nhà. Hai cháu nội và đám trẻ trong xóm chỉ bước vài bước chân là đến được lớp. Cũng không còn cảnh đường sá lầy lội, nguy hiểm ngày mưa hay bụi mịt mù ngày nắng. Từ ngày có trường, xóm Miễu 2 cũng đầm ấm, náo nhiệt hẳn lên, nhất là vào những giờ ra chơi hay tan lớp.

Anh cán bộ địa chính xã Tiến Xuân đi cùng chúng tôi cho biết, chồng mế Tình là thương binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước thống nhất, ông về quê lập gia đình, cần mẫn cùng vợ con khai hoang làm ruộng, cấy lúa, trồng ngô sắn. Hồi đó thôn Miễu 2 còn khá hoang vắng, ông và gia đình đã khai khẩn được hơn 1.000m2 đất khu vực gần nhà, được chính quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất nông nghiệp. Khi ông mất (2001), cuộc sống thiếu vắng trụ cột gia đình thật không dễ dàng, khó khăn thiếu thốn bộn bề nhưng mế và ba người con chăm chỉ làm lụng, lại luôn ủng hộ các phong trào từ thiện, nhân đạo của địa phương, được bà con chòm xóm quý mến. Giờ thì ba con đều đã trưởng thành, được mế dựng vợ gả chồng đi làm ăn nơi khác, mế sống ở đây cùng gia đình anh con trưởng. Khi xã có chủ trương vận động người dân hiến đất xây dựng Trường Tiểu học Tiến Xuân B, gia đình mế Tình đã đi đầu hiến ngay 700m2 đất cạnh nhà, ngay sát mặt đường, khu đất mà gia đình mế đã tốn bao công sức để khai khẩn vỡ hoang. Mế cùng gia đình cũng đã động viên thêm 21 hộ dân khác trong xóm hiến đất xây trường. Trong danh sách hiến đất xây trường ở thôn Miễu 2, chúng tôi còn thấy rất nhiều bà con dân tộc Mường hiến hàng trăm mét vuông đất như gia đình ông Hoàng Công Cường, ông Hoàng Công Cư mỗi nhà hiến 560m2, ông Hoàng Công Thưởng 342m2, gia đình ông Quách Đình Lực 320m2, nhà nào ít nhất cũng hiến đến 150m2… Nhờ những tấm lòng thơm thảo ấy, đến hôm nay, con em Tiến Xuân đã có thêm một ngôi trường tiểu học khang trang, sạch đẹp trên nền đất rộng đến 4.898m2.

Thầy Bùi Xuân Chiến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiến Xuân B không giấu nổi niềm vui: Dù nằm ở một địa bàn còn khó khăn, lại "sinh sau đẻ muộn" nhưng Tiểu học Tiến Xuân B vẫn được đánh giá là trường có chất lượng dạy và học đạt mức khá của huyện Thạch Thất. Trường có 224 học sinh và 26 cán bộ, giáo viên thì năm nào cũng có hàng chục học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, giáo viên giỏi cấp huyện. Một niềm vui lớn nữa của thầy và trò Tiểu học Tiến Xuân B là trong năm 2014, trường sẽ được thành phố và huyện đầu tư thêm 15 tỷ đồng để nâng cấp các phòng học, xây thêm phòng chức năng, nhà hiệu bộ… Năm 2014 đã sang, mùa xuân mới sẽ mang đến nhiều niềm vui mới cho thầy và trò Trường Tiểu học Tiến Xuân B và đó cũng chính là niềm vui của bà con dân tộc Mường trên đất Tiến Xuân - những người đã hiến đất xây trường, đã biết hy sinh lợi ích cá nhân để đóng góp vào một công trình cộng đồng vô cùng có ý nghĩa.

Bảo Nga - Ngọc Thủy