Vẫn chuyện… biết rồi nói mãi!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 27/01/2014
Ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, các bến xe ở nhiều thành phố lớn trong những ngày này đều đông nghẹt người. Dăm hôm trước, hàng nghìn người đã khốn khổ chen lấn ở Ga Sài Gòn để "giành lại" quyền được đi tàu bởi vé họ đã mua ở các đại lý, nhưng vì lý do nào đó không trùng với số chứng minh nhân dân. Hành khách đi máy bay cũng được khuyến cáo phải ra sân bay 3 giờ trước giờ khởi hành với lý do sân bay quá tải. Để di chuyển trên quãng đường khoảng 100km từ Hà Nội về Quảng Ninh, nhiều người phải "đi như bò ra đường" tới 4 - 5 tiếng. Chưa hết, dù giá vé đã tăng 50-60% so với ngày thường nhưng trên nhiều lộ trình từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, không ít nhà xe vẫn nhồi nhét khách nhằm tận thu. Trong khi đó, giao thông ở hai thành phố lớn những ngày cận Tết có điểm chung là tắc nghẽn.
Tình trạng nghẽn tại các cây ATM đã được lường trước và có nhiều phương án đề phòng. Các ngân hàng cũng tuyên bố "đã có giải pháp khắc phục", nhưng rồi mọi sự dường như chẳng được cải thiện là bao. Nhiều chủ thẻ đã phải than phiền rằng, có điều gì đó thật kỳ lạ khi nếu muốn rút một lần khoảng 3 triệu đồng trở lên thì không được, nhưng nếu rút 1 triệu đồng/lần thì "vô tư". Thậm chí, việc chuyển tiền trực tuyến cũng nghẽn.
Hai câu chuyện trên nói lên điều gì?
Ai cũng biết rằng, hạ tầng giao thông ở nước ta trong những năm gần đây đã phát triển khá nhanh nhưng vì phương tiện cá nhân cũng tăng với tốc độ chóng mặt nên chuyện tắc nghẽn là khó tránh khỏi. Ngoài sự tắc nghẽn do yếu tố bất khả kháng, điều dễ nhận thấy là còn không ít chuyện do chính con người tạo ra khi tham gia giao thông. Giả sử như ở các đô thị, người dân đi đúng làn đường của mình thì tình trạng tắc nghẽn sẽ bớt đi phần nào. Thêm nữa là tình trạng vượt đèn đỏ, đỗ xe sai quy định, lấn chiếm vỉa hè lòng đường nếu cơ quan quản lý xử lý nghiêm thì tình trạng tắc đường chắc sẽ giảm. Và suy xét rộng ra, tình cảnh người chen người di chuyển về quê ăn Tết đã cho thấy việc phân bố dân cư, sản xuất công nghiệp - dịch vụ... ở tầm quốc gia đang có nhiều bất cập.
Với các ngân hàng, cũng có điều gì đó khiến khách hàng không khỏi muộn phiền. Ví dụ, một ngân hàng thuộc diện lớn nhất nước đến những ngày áp Tết mới đưa ra quy định thu phí đối với giao dịch chuyển tiền nội mạng. Trong khi đó, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày của ngân hàng này là 260.000 giao dịch, riêng dịp Tết lên tới 700.000 - 800.000 giao dịch. Doanh thu từ chi phí thẻ của riêng ngân hàng này mỗi năm cũng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể, việc ngân hàng cũng được nhiều lợi nhuận từ khoản tiền gửi lãi suất thấp mà khách hàng để trong ATM. Rõ ràng là, trong bối cảnh chất lượng dịch vụ ATM còn kém, thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển, thì việc tăng các loại phí với thẻ ATM xem ra chưa hợp lý. Thậm chí, có không ít ý kiến còn cho rằng, việc "thượng đế" gặp sự cố khi rút khoản tiền lớn trong một lần rút, buộc phải rút tiền nhiều lần càng có lợi cho ngân hàng vì mỗi lần rút là khách hàng sẽ bị một lần thu phí...
Những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm..." kéo dài từ năm này qua năm khác khiến nhiều người không khỏi muộn phiền. Nhưng xem ra trong bối cảnh này khó mà đòi hỏi có được lý giải nào thuyết phục hơn ngoài câu nói an ủi quen thuộc: Thế mới là Tết!