Làng hoa Đại Thịnh vào Tết
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 26/01/2014
Những người dân đến đây để ngắm hoa và mua cho gia đình những bó hoa cúc, hồng, ly… Cánh thương lái thì đang thu gom, vận chuyển hoa đi tiêu thụ, người trồng hoa hối hả cắt và bó, một vùng quê vốn yên bình trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Một góc làng hoa Đại Thịnh. |
Từ cầu Thăng Long rẽ vào huyện Mê Linh theo tỉnh lộ 23, hai bên đường thuộc các xã Đại Thịnh, Tiền Phong, Mê Linh, các loài hoa như đang khoe sắc rực rỡ, tỏa hương thơm ngát. Đó là màu vàng của hoa cúc, đỏ của hoa hồng, đa màu sắc của hoa ly, thược dược… Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh Nguyễn Đa Bẩy vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về nghề trồng hoa ở xã. Trước đây, cuộc sống của người dân Đại Thịnh gặp rất nhiều khó khăn, là xã thuần nông chỉ trông chờ vào cây lúa. Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén và năng động của cán bộ, nhân dân trong xã, khoảng hơn 10 năm nay, nghề trồng hoa đã đem lại cuộc sống khá giả cho người dân và sự trù phú cho vùng đất bãi này. Toàn xã có 378ha đất nông nghiệp thì hơn 100ha trồng hoa, trong đó có 49ha hoa cúc và 33ha hoa hồng. Không rõ do cách chăm sóc hay chất đất mà hoa cúc ở Đại Thịnh có nét đẹp rất riêng. Chính vì vậy, dù hoa ở Đại Thịnh chưa được xây dựng thương hiệu, nhưng bất cứ ai đến Mê Linh mua hoa cúc thì chỉ đến xã Đại Thịnh.
Cán bộ bảo vệ thực vật xã Đại Thịnh Nguyễn Mạnh Thủy dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng hoa dưới tiết trời lạnh phảng phất chút nắng. Cả một vùng hoa cúc giống như một dải lụa màu vàng óng. Để có được vùng hoa đẹp như hiện nay, người dân Đại Thịnh mất nhiều công sức, nhưng bằng sự yêu nghề và dường như vùng đất nơi đây không phụ lòng người, nên cùng một loài hoa cúc nhưng giá hoa ở Đại Thịnh lúc nào cũng cao hơn so với các nơi khác. Từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán, hoa được cắt và bán liên tục, 1 sào hoa cho khoảng 1,5 vạn bông cúc, thu nhập từ 20-25 triệu đồng/vụ, hoa hồng thu được 30-35 triệu đồng/sào/vụ và một vụ hoa cúc thường kéo dài trong 3 tháng.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, qua học hỏi kinh nghiệm nghề trồng hoa của một số nơi, những năm gần đây, người dân Đại Thịnh còn mạnh dạn chuyển sang trồng 10ha hoa loa kèn, hoa ly… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, với giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha. Đứng bên dãy hoa cúc đang chớm nụ, với vẻ mặt rạng ngời, anh Nguyễn Văn Quyết ở thôn Đại Bái cho biết, vào vụ Tết cả gia đình bận như con mọn, nhưng cả năm cũng chỉ có mấy tháng, nên dù mệt mỏi thì cũng phải cố gắng để có một năm sung túc. Ở Đại Thịnh, người dân chủ yếu trồng hoa cúc vàng đông và cúc pha lê, đây là những giống hoa đẹp, bông to, được thị trường ưa chuộng, song cũng tốn nhiều công chăm sóc. Hơn nữa, loài hoa cúc này rất khó tính, nếu thời tiết không chiều lòng người coi như mất mùa, vì trời đang nắng mà chỉ cần một trận mưa nhỏ là cúc nở ngay. Cần mẫn, nâng niu, cắt tỉa từng cành hoa, anh Nguyễn Văn Tuấn, một hộ trồng hoa ở xã Đại Thịnh cho biết: Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, hoa nở đúng dịp Tết, bán được giá, người trồng hoa rất phấn khởi.
Khó khăn nhất hiện nay của người dân Đại Thịnh là nguồn vốn để mở rộng diện tích và đưa một số giống mới về trồng. Ngoài ra, người dân Đại Thịnh rất cần được các cấp, các ngành của thành phố, huyện Mê Linh quan tâm xây dựng thương hiệu hoa cúc Đại Thịnh, từ đó quảng bá rộng rãi tới tay người tiêu dùng trong nước và có thể xuất khẩu. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, song với sự cần mẫn, kinh nghiệm trồng hoa của người dân, chắc chắn nghề trồng hoa ở Đại Thịnh sẽ phát triển.