Một phong tục đẹp
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 26/01/2014
Những ngày giáp Tết Giáp Ngọ 2014, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đi chúc Tết và tặng quà các gia đình chính sách, gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Ngày cuối cùng của năm 2013, đại diện Sở LĐ-TB&XH thay mặt UBND TP Hà Nội đã công bố chi 216 tỷ đồng tặng quà Tết Giáp Ngọ 2014 cho các đối tượng chính sách là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương binh, người có công với cách mạng, các cụ ông, cụ bà 70, 75, 80… UBND thành phố cũng tặng quà Tết cho các gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Không chỉ Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác trên cả nước tùy theo khả năng ngân sách dành tặng quà Tết cho dân. Đây là sự nâng tầm của phong tục theo hướng nhân văn.
Không chỉ cơ quan công quyền, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bằng nguồn lực của họ hay đi vận động các nhà hảo tâm đã tặng quà Tết cho người nghèo, địa phương còn nghèo, các trung tâm nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, trẻ em tàn tật… Vào Google đánh chữ "tặng quà Tết 2014", công cụ tìm kiếm này đã cho ra 985.000 tin, ảnh, bài người Việt Nam trong và ngoài nước tặng quà Tết. Đó chỉ là bề nổi vì còn rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tặng quà Tết nhưng không muốn đưa tin, viết bài vì họ coi đó là việc làm bình thường. Có thể giá trị của quà Tết không lớn nhưng trên tất cả đó là tình cảm "lá lành đùm lá rách" và nó càng có ý nghĩa hơn vì trong năm vừa qua, đất nước còn gặp nhiều khó khăn.
Thăm hỏi, tặng quà, đặc biệt là cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo hoặc có hoàn cảnh éo le, đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Những hoạt động đó là biểu hiện sinh động của truyền thống “uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách”. Nhờ vậy, mọi người, mọi nhà đều được bảo đảm có một cái Tết ấm áp, thấm đượm tình người.