Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 05:48, 26/01/2014

(HNM) - Không khí giá lạnh và băng tuyết đang phủ trắng nhiều khu vực của Châu Âu không thể làm giảm sức



Với chủ đề "Định hình lại thế giới: Những hệ quả cho xã hội, chính trị và kinh doanh", WEF 44, diễn ra từ ngày 22 đến 25-1, đã thu hút sự tham gia của 2.500 chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế toàn cầu tại


Khác với bầu không khí chung của 3 năm gần đây, WEF năm nay được tổ chức trong bối cảnh tương đối sáng sủa với triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn của kinh tế thế giới. Trước thềm hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 lên 3,7%, cao hơn so với mức dự báo tăng 3% đưa ra năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong gần hai năm qua, IMF điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng tăng. Thể chế này nhận định kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ khi chính phủ các nước đang dần chấm dứt chính sách "thắt lưng buộc bụng" và hệ thống ngân hàng đã vững chắc hơn. Song IMF cũng cảnh báo nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu ở một số nền kinh tế đang phát triển sẽ làm giảm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, trong vòng hai năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bùng phát bắt nguồn từ Mỹ, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi lại trở thành đòn bẩy tăng trưởng giúp các nước phát triển thoát khỏi đà suy thoái khủng khiếp nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước sức ép về tình trạng dòng vốn chảy mạnh ra bên ngoài và năng lực cạnh tranh suy giảm, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đặc biệt là nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), phải đứng trước yêu cầu tái cơ cấu nhằm tìm ra mô hình phát triển mới để thúc đẩy nền kinh tế đang có những dấu hiệu bị chững lại. Điều đáng ngại nữa đối với các quốc gia này là nợ công đang tăng lên một cách nguy hiểm. Với Trung Quốc, nợ công ở địa phương lên đến mức 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cùng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, các nước BRICS cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm đói nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục… Cũng vì lý do này, WEF lần thứ 44 đã dành riêng một phiên thảo luận lấy chủ đề "BRICS trong cuộc khủng hoảng tuổi trung niên?".

Ngoài những vấn đề liên quan tới nhóm các nước đang phát triển và mới nổi, hiện tại, mối lo đặt ra trước mắt đối với nền kinh tế thế giới là những khó khăn sẽ vấp phải khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thu hẹp quy mô gói cứu trợ thứ ba (QE-3), tình trạng giảm phát tại các nền kinh tế phát triển. Riêng Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) dù thoát khỏi suy thoái, nhưng tăng trưởng chậm, nợ nần và đà phục hồi khá mong manh của các mắt xích yếu vẫn tiếp tục là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực trên phương diện kinh tế khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng liên quan tới những tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ trên biển Hoa Đông cũng là chủ đề đáng chú ý.

Thất nghiệp cũng là một vấn nạn không thể bỏ qua tại Davos. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm qua, số người thất nghiệp trên toàn cầu đã tăng từ 5 triệu người lên 202 triệu người và dự báo con số này sẽ tiếp tục gia tăng, tới năm 2018 có thể lên tới 215 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (15-24 tuổi) vẫn là mối lo ngại lớn nhất khi lên tới 13% trong năm 2013, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình toàn cầu là 6%. Tại nhiều nước phát triển, việc cắt giảm chi tiêu công trong khi tăng thuế thu nhập và thuế tiêu thụ đang là gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình. Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO từng cảnh báo, nếu không đưa vấn đề việc làm vào trọng tâm hoạch định chính sách quốc tế, tình trạng thất nghiệp sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Trong một bức tranh toàn cảnh còn nhiều mảng xám như vậy, chắc chắn chỉ riêng một Diễn đàn Kinh tế tại Davos sẽ không thể đưa ra những "đơn thuốc" hữu hiệu cho toàn bộ những điểm nóng cần giải quyết, nhất là khi cuộc gặp gỡ còn bị chi phối bởi những mâu thuẫn chính trị đang diễn ra. Lời giải cho nhiều vấn đề đang tồn tại để thúc đẩy đà phục hồi và tăng trưởng bền vững cũng như phối hợp chính sách giữa các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục là chủ đề được thảo luận khắp thế giới.

Quỳnh Chi