Giải tỏa sức ỳ của một bộ phận lãnh đạo
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:10, 25/01/2014
Có thể nói, đến thời điểm này việc CPH DNNN chưa đạt kế hoạch như mong muốn và thực tế đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả huy động cũng như sử dụng vốn của nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư dàn trải, kể cả vào những lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành nghề chính của mình như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… là những lĩnh vực đang "đóng băng" trong vài năm gần đây. Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng số vốn đã được các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các lĩnh vực này từ năm 2006 đến 2012 lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Một lượng vốn lớn như vậy được đầu tư nhưng thiếu hiệu quả, khó thu hồi vốn đã gây ra tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện CPH DN nói chung.
CPH chậm còn do sức ỳ về tâm lý, ngại công khai thông tin, nhất là sợ mất quyền lợi và quyền lực của một bộ phận lãnh đạo DNNN. Bởi, sau khi chuyển thành công ty cổ phần thì đương nhiên giám đốc phải tuân theo chỉ đạo và các mục tiêu hoạt động do hội đồng quản trị đề ra, thay vì bản thân được quyền tự quyết như trước. Các DN khi CPH cũng chưa thật sự quan tâm, chưa có những phương thức triển khai phù hợp, nhất là thiếu biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan, như quyền lợi, trách nhiệm của người lao động; cách tính toán và biện pháp cụ thể trong giải quyết công nợ của DN; định hướng thị trường; việc làm cho người lao động sau CPH... Trên thực tế, trong giai đoạn 2011-2013, nhiều DN mới chỉ dừng lại ở mức hoàn thiện phương án CPH trình phê duyệt. Vì vậy, diễn tiến CPH nói chung vẫn thiếu kết quả, chậm tiến độ và chưa tương xứng với ý nghĩa, kỳ vọng của cơ quan quản lý, làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành của nền kinh tế. Kết quả, năm 2011 cả nước CPH được 60 DN; năm 2012: 13 DN; năm 2013: 16 DN.
Không thể né tránh
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, CPH là vấn đề nan giải, phức tạp và khó khăn nhưng không thể né tránh. Từ đó rất cần sự chỉ đạo sát sao và phối hợp giữa nhiều cơ quan, địa phương để đẩy nhanh tốc độ trong năm 2014 cũng như những năm tới.
Để tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 929/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, lấy trọng tâm tái cơ cấu là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong đó biện pháp chủ yếu là thực hiện CPH DN. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2015 số DNNN thu gọn lại còn khoảng 500-600 đơn vị và tiếp tục giảm xuống còn 300 đơn vị vào năm 2020. Chính phủ khẳng định, CPH phải triển khai trên diện rộng, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực và bảo đảm nguyên tắc an toàn vốn nhà nước.
Như vậy, trong năm 2014-2015, việc CPH sẽ diễn ra một cách quyết liệt, với những mục tiêu tổng quát, nhằm tái cơ cấu ngành, lĩnh vực kinh doanh để DNNN tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh; làm nòng cốt để kinh tế khu vực nhà nước thực hiện đúng vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết đời sống KT-XH và ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp theo là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DN. Tất cả những động thái và tiến trình trên nhằm hỗ trợ quá trình tái cơ cấu DN, nhất là cơ hội tích tụ vốn để đầu tư thay đổi công nghệ, kiến tạo thương hiệu, mở rộng xuất khẩu… Đây là những điều kiện để DN phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh khi hội nhập.…