Không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ: Chủ trương tích cực, cần ủng hộ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 25/01/2014

(HNM) - Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ tại thời điểm người dân có nhu cầu cao nhất trong năm là dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.



Chị Vũ Thị Mỹ Liên (phường Trung Liệt,quận Đống Đa): Đây là chủ trương tiến bộ

Tôi cũng có thói quen như nhiều người, khi Tết đến năm nào cũng phải đổi một ít tiền mới để mừng tuổi người thân. Đây là thói quen, trong đó ít nhiều cũng thể hiện tình cảm, sự trân trọng mình dành cho người thân. Trước chủ trương không in tiền mới của Ngân hàng Nhà nước, tôi khá bất ngờ, song ngẫm lại thì thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng. Việc bỏ ra một lượng tiền lớn chỉ để đổi lấy những đồng bạc mới là không đáng làm, do đó sẽ giúp xã hội tránh được sự lãng phí lớn. Tôi mong mọi người dân đều hiểu điều này để đồng tình với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

Anh Vũ Văn, phường Mộ Lao, quận Hà Đông: Cần thay đổi thói quen mừng tuổi,đi lễ bằng tiền mới

Việc phát hành tiền mới trong những dịp đầu năm thường mang đến cơ hội "béo bở" nhất đối với người làm việc trong các ngân hàng và không ít người có thêm khoản thu nhập từ món tiền mới này khi mang ra thị trường bán, đổi kiếm khoản chênh lệch. Như vậy, lợi ích chỉ rơi vào một nhóm người, trong khi đó Nhà nước lại phải bỏ ra chi phí rất lớn. Chưa kể, lượng tiền mới được đưa vào thanh toán không nhiều, chỉ phục vụ nhu cầu mừng tuổi, đi lễ… Rõ ràng, chi phí bỏ ra và lợi ích mang lại không hề tương xứng… do đó, thói quen sử dụng tiền mới vào dịp đầu năm trong nhiều năm qua cũng cần phải thay đổi.

Chị Vũ Minh Huệ (Ngân hàng Bảo Việt): Ủng hộ chủ trương không đổi tiền lẻ dịp Tết

Bao giờ mới bỏ được tục lệ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết? Có lẽ đây cũng là ý nghĩ của nhiều người đang làm trong ngành ngân hàng như tôi. Bởi lẽ, hơn chục năm làm ngành ngân hàng, đúng là cứ đến cuối năm tôi đều sợ nhất việc đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết. Không phải khách hàng thì cũng người nhà, bạn bè có nhu cầu đổi giúp 5 - 10 - 20 triệu đồng tiền mới, các mệnh giá từ 500 đồng đến 50.000, 100.000 đồng. Phong tục của chúng ta lâu nay vẫn thường muốn đổi tiền mới để mừng tuổi ông, bà, lì xì cho con, cháu lấy may; đổi tiền lẻ dùng mang đi lễ chùa cầu may, cầu phúc. Thiết nghĩ, việc mừng tuổi thọ tiền mới, tiền cũ không nên quá coi trọng. Cho đi để nhận lấy cái may là điều ai cũng nghĩ vậy qua phong tục mừng tuổi đầu năm này. Việc đi lễ chùa cũng vậy, cái quan trọng không phải tiền cũ hay tiền mới được dâng cúng, làm lễ mà là cái tâm, lòng thành.

Ông Phạm Thanh Tùng (Công ty AutoDesk): Cần thay đổi suy nghĩ và hành vi ứng xử

Mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tấm lòng kính già, yêu trẻ. Còn việc cố đổi nhiều tiền lẻ để dâng lễ đầu năm, rải tràn lan tại các ban, bệ, thậm chí nhét tiền cả vào tay Phật... là hình ảnh rất phản cảm. Điều quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng từ xưa đến nay của dân tộc ta chính là ở chữ tâm, lòng thành kính chứ không phải việc tiền nhiều hay ít, cũ hay mới. Việc rải tiền lẻ của người dân tại các đình, đền, chùa, miếu, các di tích lịch sử đang làm mất đi nét văn hóa đẹp và tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và đang dần trở thành một vấn nạn. Thiết nghĩ, chúng ta cần suy nghĩ lại thói quen đổi tiền lẻ và có những hành động, ứng xử văn hóa trong các dịp lễ, Tết nhằm tránh lãng phí của cải của xã hội, tránh cho những kẻ "ăn bám thần thánh" có đất sống.

Bà Nguyễn Ngọc Anh (số 18 Ngô Tất Tố,quận Đống Đa): Cần gắn trách nhiệm quản lý của địa phương

Đề nghị các đơn vị, cơ quan có chức năng quản lý ở địa phương phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các cơ quan, đơn vị, đặc biệt cá nhân ở đền, chùa, nơi tổ chức lễ hội... không để diễn ra hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quy phạm pháp luật cấm người dân thực hiện hành vi đổi tiền (có chênh lệch hay không có chênh lệch) cũng như cấm hành vi sử dụng tiền (lẻ hoặc mệnh giá lớn) phục vụ tín ngưỡng, lễ hội. Do vậy, cũng không có chế tài nào xử lý những hành vi này nếu nó diễn ra trên thực tế. Để văn bản của Thống đốc NHNN không chỉ giới hạn hiệu lực trong hệ thống ngân hàng, tín dụng, kho bạc... thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền tới khách thập phương tại các điểm lễ hội. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của BQL các khu di tích, chùa, đền... trong công tác quản lý hoạt động đổi tiền trên thị trường tự do.

Nhóm PV Ban Bạn đọc