Đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại: Không thể “gồng mình” làm nhiệm vụ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 25/01/2014

(HNM) - Tết cận kề, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm ATTP… trên địa bàn TP Hà Nội lại trở thành vấn đề

Cơ quan chức năng Hà Nội bắt giữ vụ vận chuyển số lượng lớn mỳ chính không rõ nguồn gốc.



Chính quyền địa phương thiếu sâu sát

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai, hằng năm, đây chính là khoảng thời gian cao điểm cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chỉ tính từ tháng 12-2013 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, sản xuất hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hàng hóa nhập lậu, không bảo đảm ATVSTP. Riêng ngày 5-1-2014, Công an TP Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện và thu giữ 15 tấn mỳ chính, 4,5 tấn ô mai và hàng nghìn chiếc bản lề cửa không có hóa đơn, chứng từ xuất xứ nguồn gốc tại địa bàn xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.

Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội, đại diện Chi cục Quản lý thị trường khẳng định, qua kiểm tra tại các chợ đầu mối, mặt hàng thực phẩm chế biến cũng như tươi sống cơ bản kiểm soát tốt, chưa phát hiện gia súc, gia cầm phải tiêu hủy được bán công khai. Tuy nhiên, nói như vậy không phải là đã yên tâm hoàn toàn mà vẫn còn tiềm ẩn nhiều lo ngại. Việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, có lúc, có nơi còn qua loa, hời hợt… Nguyên nhân là có tới hàng trăm hộ kinh doanh nhưng chỉ có một cán bộ thú y làm công tác kiểm soát, kiểm dịch. Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra tại chợ Đền Lừ (Hoàng Mai) - chợ đầu mối lớn cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội nhưng cũng chỉ có một cán bộ thú y. Đặc biệt, tại các quầy kinh doanh hàng thực phẩm chế biến, Đoàn kiểm tra đề nghị các tiểu thương xuất trình giấy chứng nhận ATVSTP thì đa số đều trả lời "quên giấy chứng nhận ở nhà".

Tại chợ đầu mối việc kiểm soát còn lỏng lẻo như vậy thì tại các chợ tạm, chợ cóc, sản phẩm hầu như không được kiểm soát, nguy cơ mất ATVSTP rất cao. Đánh giá về hoạt động của các ban chỉ đạo ATVSTP các địa phương, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, một số nơi còn buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát. Vai trò của các trưởng ban chỉ đạo mới thể hiện trên văn bản, chứ chưa trực tiếp kiểm tra, nắm thực trạng để có sự chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm, mà công tác kiểm tra đều giao cho các ngành chức năng của địa phương. Vậy nên, việc xử lý các vi phạm còn nhẹ, chưa thể hiện được tính răn đe, giáo dục; công tác tuyên truyền, nhắc nhở các hộ vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh địa phương còn yếu…

Lực lượng mỏng,làm không hết việc

Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội có khoảng 500 cán bộ, nhưng có đến 30% số này không có thẻ hành nghề nên không trực tiếp kiểm tra, kiểm soát mà chỉ đi theo các đoàn, đội kiểm tra. Đây là tồn tại lịch sử để lại từ nhiều năm nay, ngành quản lý thị trường đã nhiều lần đề xuất với Sở Nội vụ, UBND TP Hà Nội nhưng vẫn chưa có cách tháo gỡ. Trong khi đó, hoạt động của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Ngay chợ Đồng Xuân - một chợ đầu mối lớn nhất khu vực phía Bắc, dù lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các mặt hàng phụ gia thực phẩm, hàng chế biến nhưng vẫn không xuể. Thủ đoạn của gian thương là không bày bán công khai các mặt hàng cấm, nhưng người có nhu cầu vẫn mua được bởi các mối quan hệ thân quen, có sự gắn kết làm ăn lâu dài. Sở Công thương đã nhiều lần chỉ đạo cán bộ đóng vai người tiêu dùng cũng không dễ mua được các loại phụ gia cấm. Vụ bắt giữ kho hàng tại xã Ninh Hiệp - Gia Lâm cũng là ví dụ điển hình cho thủ đoạn hoạt động tinh vi của đối tượng. Chủ hàng là người Thái Bình, buôn bán kinh doanh tại xã Ninh Hiệp, nhưng lại thuê kho hàng dự trữ nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (giáp ranh xã Ninh Hiệp). Do đó lực lượng chức năng không thể tiến hành kiểm tra kho hàng. Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề xuất với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh bạn phối hợp, ra quyết định kiểm tra nhưng không nhận hồi âm. Chỉ khi tuyên truyền, vận động chủ hàng đồng ý bốc dỡ hàng trong kho dự trữ sang địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng mới có thể kiểm tra, kiểm kê hàng hóa. Không chỉ có thủ đoạn tinh vi, hằng ngày các lực lượng nghiệp vụ còn phải đối mặt với sự liều lĩnh của số lái xe chở gia cầm nhập lậu từ biên giới về Hà Nội. Vì lợi nhuận cao (bán tại các chợ đầu mối của Hà Nội giá gia cầm nhập lậu có thể gấp 7 tới 9 lần giá nhập) nên nhiều lái xe khi bị kiểm tra liều lĩnh lao thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ để tẩu thoát…

Như vậy, để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng kém chất lượng và không bảo đảm ATVSTP, thành phố cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức về cơ cấu tổ chức, trang bị, phương tiện cũng như những điều kiện làm việc cần thiết đối với lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ này. Sự "gồng mình" của họ đối với từng vụ việc hoặc trong từng khoảng thời gian là có giới hạn và như vậy thì công tác này khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Việt Tuấn