Nước Mỹ lại đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 25/01/2014
Trong thư gửi Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã hối thúc Quốc hội tạo sự ổn định và chắc chắn cho các thị trường kinh tế và tài chính thông qua việc nâng trần nợ công trước ngày 7-2 và không được vượt qua thời hạn chót vào cuối tháng. Theo người đứng đầu ngành tài chính Mỹ, cơ quan này có thể tiến hành các "biện pháp đặc biệt" trong phạm vi quản lý của mình để duy trì hoạt động cho chính phủ sau khi thời điểm nợ công chạm trần vào ngày 7-2. Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ có thể sử dụng tiền từ các khoản thu nhập hiện tại của chính phủ hoặc tiền mặt còn lại trong ngân khố. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ cho phép chính phủ duy trì các hoạt động cần thiết cùng lắm đến cuối tháng 2.
Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không nâng trần nợ. |
Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản của chính phủ đã tăng nhiều so với trước. Khoản nợ hiện nay của Chính phủ Mỹ đang ở mức 17.300 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Mỹ không trả nợ đúng hạn thì khả năng tín dụng của xứ Cờ hoa sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng tiêu cực, kể cả khi nước này dùng các loại trái phiếu nhà nước để thế chấp nợ vay. Hậu quả từ việc vỡ nợ là đồng USD sẽ mất giá mạnh, lương hưu trí giảm và không có khả năng chi trả các khoản vay thế chấp. Nhiều nhà đầu tư lớn sẽ tìm sự an toàn bằng cách thay những công cụ thanh toán của mình bằng đồng tiền khác. Vì thế nhu cầu đối với đồng franc Thụy Sĩ, bảng Anh và euro sẽ tăng lên. Sự thay đổi đó tất yếu sẽ gây ra những biến động lớn tới thị trường tiền tệ thế giới và kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội rộng lớn tại Mỹ. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang có "bước tiến đáng kể" sau cuộc suy thoái năm 2008, thì việc cường quốc số 1 thế giới vỡ nợ sẽ khiến thị trường tài chính chìm nghỉm. Nền kinh tế chắc chắn rơi vào một cuộc đại khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trở lại. Không tránh được viễn cảnh vỡ nợ, thì không riêng công dân Mỹ mà nhiều quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng. Nói cách khác, với vai trò là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, việc Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ khiến cả thế giới không tránh khỏi lo lắng. Đối với Châu Âu, những bế tắc hiện nay của Mỹ có thể gây tổn hại đến các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong bối cảnh họ đang cố gắng kiểm soát các vấn đề nợ công của mình và tăng cường phục hồi kinh tế.
Thực tế, trong suốt ba năm qua, chính trường Mỹ đã xảy ra nhiều bất đồng xung quanh vấn đề nâng trần nợ công. Lần gần đây nhất, ngày 16-10-2013, Mỹ tránh được tình trạng lâm vào một cuộc vỡ nợ lịch sử khi Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận về giải pháp tăng trần nợ công và tái mở cửa Chính phủ. Thỏa thuận vào giờ chót đã tránh cho nước Mỹ rơi vào thảm họa. Nhưng đây chỉ là sự hòa hoãn tạm thời và thị trường thế giới lại chuẩn bị cho giai đoạn căng thẳng mới trong sự đối đầu giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trong các tuyên bố gần đây, một vài nghị sĩ đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ yêu cầu đảng Dân chủ phải nhượng bộ trong vấn đề này, báo hiệu một tiến trình thảo luận căng thẳng sẽ diễn ra tại Quốc hội trong thời gian tới.
Dễ dàng nhận thấy, cuộc chiến giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về trần nợ và các vấn đề khác vẫn trầm trọng dù một số giới hạn đỏ đã được vượt qua vào những phút cuối cùng. Vì vậy, sự kiện sắp tới cũng được cho là sẽ gay cấn không kém. Nhưng dư luận Mỹ và thế giới hy vọng rằng cuộc đối thoại giữa hai đảng sẽ sớm dẫn đến thỏa hiệp để tránh những tổn thất không đáng có đối với uy tín và triển vọng hồi phục của nền kinh tế số 1 thế giới.