Lại khốn khổ với vé tàu

Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 24/01/2014

(HNM) - Trong hai ngày qua (22 và 23-1), hàng nghìn hành khách từ khắp nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã hớt hải tìm đến ga Sài Gòn xin được đổi vé vì những tấm vé không trùng tên và số chứng minh nhân dân người đi.


Hàng nghìn vé không hợp lệ

Đến đầu giờ chiều 23-1, ga Sài Gòn đã in hơn 2.200 phiếu thứ tự đổi vé tàu, trong khi hàng trăm hành khách vẫn tập trung chờ đợi tới lượt đổi vé không hợp lệ. Tại nơi in số thứ tự cho hành khách đổi vé luôn quá tải, đến nỗi nhân viên phát số thứ tự phải in sẵn thành từng xấp để đưa cho dòng người đang chen lấn phía sau. Lực lượng bảo vệ ga Sài Gòn cùng Công an phường 9 (quận 3) phải ngăn các dãy ghế tránh tình trạng hỗn loạn nhưng tình trạng chen lấn xô đẩy vẫn xảy ra.

Nhân viên ga Sài Gòn cầm từng xấp số thứ tự mới kịp phát cho hành khách.



Sau hàng chục phút len lỏi giữa dòng người đông nghẹt, anh Đỗ Văn Hiệp (quê Quảng Ngãi) cũng có số thứ tự trên tay với số 1.634, trong khi bảng điện tử của ga mới chỉ nhảy đến con số 609. "Với số thứ tự như thế này chắc tới ngày mai mới đổi được vé", anh Hiệp lo lắng. Cùng chung tâm trạng, ông Đinh Trọng Chiến (quê Nghệ An) cho biết: "Số thứ tự cả nghìn như thế này thì làm sao gia đình tôi về kịp đầu giờ chiều nay, đã khổ một lần khi mua vé, bây giờ có tấm vé trên tay đưa gia đình về mà cũng chưa chắc đã về được".

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn cho biết, đơn vị sẽ tạo điều kiện tối đa để bất cứ hành khách nào cũng được lên tàu. "Việc lượng vé đổi nhiều như hiện nay là do hành khách mua vé qua "cò", đại lý "ma" hay những hành khách không có nhu cầu vé bán lại…", ông Thành nói.

"Cò" vé lẫn đại lý "ma" hoành hành

Trong khi hành khách đang phải vật lộn với vé tàu thì hàng chục "cò" vẫn xuất hiện nhan nhản trước cổng và trong khu vực ga. Các đối tượng này liên tục mời chào, chèo kéo khách. Trong vai một hành khách có nhu cầu đi Quảng Bình ngày 27-1, chúng tôi được một "cò" vé tên Xuân ra giá: "Khỏi cần chứng minh nhân dân, lấy ngay và đi bất cứ thời điểm nào cũng được, nhưng phải trả thêm 250.000 đồng/vé ngoài số tiền in trên vé phải trả"... Đáng nói, ngay trong khu vực cửa ga nhiều "cò" vé vẫn lượn lờ dụ dỗ hành khách mua ngay trước mặt lực lượng bảo vệ và an ninh. Anh Trần Trọng Hải (quê Nam Định) phản ánh: "Cách đây hơn một tháng sau khi không mua được ở ga, tôi mua vé của "cò" ngoài cửa ga. Bây giờ dù sai tên và chứng minh nhân dân nhưng "cò" này vẫn một mực nhất quyết đi được, không sao hết. Khi tôi yêu cầu gặp trực tiếp để giải quyết thì "cò" lặn mất tăm…".

Đáng nói, nhiều hành khách đã mua vé tại đại lý Vạn Phát Hưng (114B Gò Xoài, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cũng phải đến đổi vé. Ông Nguyễn Văn Thành khẳng định, đó không phải đại lý chính thức của ga Sài Gòn. Hiện địa bàn thành phố có 22 đại lý bán vé tàu trực thuộc của ga. "Những đại lý "ma" mua vé bằng phiếu đặt chỗ trên mạng hay qua tin nhắn SMS là có thể sở hữu những tấm vé hợp lệ bằng chính tên và chứng minh nhân dân của người đặt vé nhưng lại bán cho người khác. Như vậy dẫn tới vé sẽ không còn hợp lệ, hành khách lại là người thiệt thòi", ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, quy định của ngành đường sắt ghi rõ, khi đến mua vé, khách phải mang theo bản gốc chứng minh nhân dân của người đi tàu để đối chiếu và để in tên, số chứng minh nhân dân trên vé, nhằm hạn chế tình trạng vé chợ đen. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trên tất cả vé tàu Tết mà chỉ áp dụng đối với hành khách đi tàu chiều TP Hồ Chí Minh - Hà Nội vào thời gian cao điểm trước Tết (từ ngày 20 đến 29 tháng Chạp), có ga đến từ Nha Trang trở ra Hà Nội cũng là điểm sơ hở.

Năm nào cũng vậy, khi Tết cận kề, nỗi khốn khổ chuyện tàu xe của người lao động xa quê muốn đoàn tụ cùng gia đình lại diễn ra. Có lẽ, ngành chức năng nên xem lại các giải pháp của mình.

Hà Phạm