Cầu Cửa Nhượng sắp hợp long

Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 24/01/2014

(HNM) - Cầu Cửa Nhượng thuộc dự án đường ven biển giai đoạn 1 đoạn Thạch Khê - Vũng Áng (Hà Tĩnh), là cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất Bắc Trung bộ.

Tuyến đường bộ ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18-1-2010. Theo đó, đoạn đi qua tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 110km. Đây là tuyến đường bộ đi sát biển, là một trong những trục dọc có ý nghĩa quan trọng nằm trong hệ thống mạng lưới giao thông quốc gia nhằm nối liền các vùng kinh tế dọc theo bờ biển, giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời phục vụ kịp thời việc vận chuyển quặng sắt từ Thạch Khê vào khu kinh tế Vũng Áng. Thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường này, thời gian qua, Sở GTVT Hà Tĩnh đã thi công cơ bản hoàn thành gần 25km, đoạn từ Thạch Khê đi Cẩm Lĩnh thuộc dự án đường ven biển giai đoạn 1 (đoạn Thạch Khê - Vũng Áng), 40km còn lại từ Cẩm Lĩnh đi Vũng Áng tiếp tục triển khai thi công trong những năm tiếp theo. Dự án đường ven biển giai đoạn 2 (đoạn Xuân Hội - Thạch Khê) có chiều dài khoảng 45km đã hoàn tất công tác lập dự án đầu tư, đang tìm nguồn vốn đầu tư từ các đối tác Nhật Bản và các nguồn vốn khác.

Cầu Cửa Nhượng đang được thi công khẩn trương để có thể đưa vào sử dụng trong tháng 5-2014.


Cầu Cửa Nhượng nằm trên tuyến đường ven biển, nối xã Cẩm Nhượng và xã Cẩm Lĩnh, tổng chiều dài cầu gần 1,4km. Đây là công trình cầu BTCT DƯL dài nhất trên địa bàn Hà Tĩnh và Bắc Trung bộ đến thời điểm hiện nay. Cầu bắc qua một cửa biển rộng, có kết cấu hiện đại, được thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng và kết cấu dầm super tee. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một công trình kiến trúc hoành tráng, điểm nhấn đặc sắc trong tổng thể khu du lịch biển quốc gia Thiên Cầm.

Cầu Cửa Nhượng được khởi công vào tháng 4-2010, do các nhà thầu có năng lực, trình độ chuyên môn cao thực hiện. Đó là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cầu đường (tư vấn thiết kế kỹ thuật), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Công trình giao thông 5 (tư vấn giám sát). Hai đơn vị này đều thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là đơn vị đầu ngành của Bộ GTVT về lĩnh vực thiết kế và giám sát công trình. Các nhà thầu xây lắp là: Công ty cổ phần Cầu 12 (thi công gói thầu phía bờ Bắc), Công ty cổ phần Phát triển XD&TM Thuận An, Công ty cổ phần COTABIG (thi công gói thầu phía bờ Nam). Trong đó, Công ty cổ phần Cầu 12 là cánh chim đầu đàn của ngành cầu Việt Nam, với truyền thống hơn 60 năm kinh nghiệm và đã 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng; đã xây dựng nhiều cây cầu lớn hiện đại, như: Phú Lương (Hải Dương), Rạch Miễu, Hàm Luông (tỉnh Bến Tre)...

Những năm gần đây, mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có nội dung cắt giảm đầu tư công, nguồn vốn bố trí cho công trình bị hạn chế nên đã phải tạm dừng thi công một năm. Hơn nữa, với công nghệ thi công phức tạp, hiện trường thi công sát cửa biển, chịu tác động trực tiếp của gió mùa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt (riêng năm 2013 có tới 14 cơn bão trực tiếp, gián tiếp ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình), chế độ thủy hải văn lên xuống liên tục... Nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt, thậm chí kiên quyết thay nhà thầu không đủ năng lực, nên đến nay các hạng mục chính của cầu đã hoàn thành bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, tiến độ...

Việc hợp long cầu Cửa Nhượng đúng vào dịp kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-2014) và mừng Xuân Giáp Ngọ tiến tới hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng trước ngày 19-5-2014 nhân kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai thi công đoạn tiếp theo từ Cẩm Lĩnh vào Kỳ Xuân nhằm hoàn thiện tuyến đường ven biển, phát huy hiệu quả của dự án.

Cầu Cửa Nhượng được thiết kế vĩnh cửu, gồm 29 nhịp giản đơn bằng dầm Super Tee BTCT DƯL (chiều dài dầm 40m), 3 nhịp chính có kết cấu dầm hộp BTCT DƯL đúc hẫng liên tục (1 nhịp giữa dài 90m và 2 nhịp bên, mỗi nhịp dài 55m). Mặt cầu rộng 14,0m. Mố, trụ bằng BTCT, móng đặt trên hệ cọc khoan nhồi đường kính 1,5m, dài trung bình 40m, khoan vào nền đá gốc. Kinh phí xây dựng cầu và đường hai đầu cầu gần 500 tỷ đồng.

Gia Khoa