Không chỉ chuyện thời vụ

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 24/01/2014

(HNM) - Mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao nằm trong Đề án Phát triển lúa hàng hóa được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2010.



Tuy nhiên, Nghị quyết 25 của HĐND thành phố vừa qua đã quyết định chuyển cho các huyện trực tiếp triển khai thực hiện các mô hình đang khiến các HTX lo lắng, bởi vụ xuân đã cận kề, nếu không làm nhanh sẽ lỡ thời vụ. Thêm nữa, vấn đề với người nông dân không hẳn là nguồn hỗ trợ mà đáng lo ngại hơn là công tác phòng trừ dịch bệnh sẽ khó giám sát chặt chẽ như cơ quan chuyên môn trước kia đã làm.

Triển khai mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là hướng đi cần thiết của ngành nông nghiệp. Ảnh: Tào Ngọc


Lo lỡ thời vụ

Xuống xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vào những ngày đông cuối năm, nông dân đang hối hả ngâm mạ chuẩn bị cho vụ xuân năm 2014. Theo Chủ nhiệm HTX Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, xã có trên 300ha lúa hàng hóa chất lượng cao (chưa tính diện tích nhân dân tự mở rộng). Trước kia tham gia mô hình, HTX được hỗ trợ 100% về giống, 30% vật tư phân bón, nông dân được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt, địa phương còn được một cán bộ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội là đơn vị triển khai mô hình về "nằm vùng" giám sát, hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất nên bà con yên tâm hơn.

Tuy nhiên, vụ xuân năm 2014, HTX nhận được giống muộn so với các vụ trước nên việc gieo mạ chậm hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân xuất phát từ sự điều chỉnh chính sách theo Nghị quyết 25 HĐND thành phố khóa XIV có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Theo nghị quyết, chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố giai đoạn 2014-2020 sẽ giao cho các huyện trực tiếp triển khai thực hiện từ khâu cung ứng giống, vật tư phân bón, phòng trừ dịch bệnh. Còn cơ quan chuyên môn đảm nhiệm việc tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Với sự điều chỉnh này thì Trung tâm Phát triển cây trồng không đảm nhiệm cung ứng giống lúa hàng hóa cho các huyện. Mặc dù chưa có những hướng dẫn cụ thể, song vì tính cấp bách của thời vụ, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND TP Hà Nội xin cơ chế vụ xuân vẫn giao cho trung tâm cung ứng giống để các HTX tham gia mô hình triển khai vụ xuân tránh việc lỡ thời vụ. Mặc dù vậy, nhiều địa phương vẫn không khỏi băn khoăn, về việc triển khai các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trong bối cảnh hiện tại.

Phó phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Hà cho rằng, nếu chuyển giao cho huyện triển khai các mô hình nằm trong đề án sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi đề án cần có đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu. Trong khi cán bộ chuyên môn ở hầu hết các huyện không nhiều, năng lực còn hạn chế. Đơn cử như Phòng Kinh tế huyện Đông Anh mới có một cán bộ chuyên ngành trồng trọt, ngoài các chính sách hỗ trợ về giống, vật tư phân bón thì huyện khó có thể đảm đương được công tác phòng trừ sâu bệnh. Nếu giao thực hiện ngay tại vụ xuân năm 2014, huyện Đông Anh không thể chủ động triển khai mô hình lúa hàng hóa tại xã Liên Hà.

Cùng quan điểm, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết, vụ xuân năm nay, các HTX trên địa bàn huyện đăng ký 400ha mô hình lúa hàng hóa chất lượng cao. Nếu giao cho huyện thực hiện các mô hình thì cần có thời gian để chuẩn bị giống, hình thành đội ngũ cán bộ cùng nông dân thực hiện. Vì vậy, trong điều kiện vụ xuân đã cận kề, nếu đợi xây dựng kế hoạch, nông dân sẽ lỡ thời vụ.

Ngoài chương trình lúa hàng hóa, chương trình sản xuất và tiêu thụ chè sạch đang được triển khai trên địa bàn thành phố cũng nằm trong diện điều chỉnh. Mặc dù chưa tác động trực tiếp, nhưng một số địa phương băn khoăn về công tác triển khai trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hồng Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch (Quốc Oai) cho rằng, việc triển khai chương trình cần phải có một đơn vị chuyên môn thực hiện theo một cơ chế thống nhất từ trên xuống dưới, từ việc cung ứng giống, tập huấn cho nông dân đến việc giám sát dịch hại… mới tránh được tình trạng "cha chung không ai khóc".

Còn nhiều bất cập

Hiện các địa phương đang bước vào sản xuất vụ xuân 2014, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào về việc điều chỉnh chính sách của thành phố, nên chưa thể triển khai. Bài toán đặt ra ở đây, nếu giao cho các địa phương chủ động triển khai các mô hình sản xuất tập trung, các huyện phải có một đội ngũ cán bộ chuyên môn đủ khả năng đảm nhiệm việc giám sát mô hình. Theo phản ánh của các địa phương, cán bộ chuyên môn về nông nghiệp nhiều huyện còn hạn chế. Trong khi đó, cán bộ chuyên môn về bảo vệ thực vật, trồng trọt, chăn nuôi tại Sở NN& PTNT và các đơn vị trực thuộc có tới hơn 1.000 người.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho rằng, nếu giao cho các huyện thực hiện các mô hình sẽ gặp nhiều khó khăn do lực lượng cán bộ huyện mỏng, khó có thể triển khai hiệu quả các mô hình lớn nằm trong đề án của ngành nông nghiệp. Hơn nữa, HĐND TP Hà Nội đã phân bổ ngân sách cho Sở NN&PTNT từ đầu năm và chưa bàn giao cho các quận, huyện. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch bệnh vô cùng quan trọng, khi xảy ra dịch bệnh cần cả hệ thống thú y, bảo vệ thực vật từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường vào cuộc. Công tác đấu thầu vắc xin cho gia súc, gia cầm, nếu để các huyện thực hiện sẽ dẫn đến tình trạng có huyện triển khai sớm, có huyện triển khai muộn, nguồn vắc xin đấu thầu mỗi nơi khác nhau rất khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đáng ngại hơn, khi có dịch bệnh xảy ra, các huyện sẽ không đồng bộ triển khai phòng dịch, ngăn dịch, dập dịch cùng một thời điểm và thành chiến dịch khiến nguy cơ lây lan từ vùng này sang vùng khác rất cao. Thực tế, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện giao cho cấp huyện triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, bài học nhãn tiền rút ra là dịch không dập được mà tốc độ lây lan càng cao.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nếu phân cấp cho hai đơn vị cùng phối hợp thực hiện, khi xảy ra dịch bệnh, mất mùa thì đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?

Đào Huyền