”Nguồn lực vàng” của đất nước

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 24/01/2014

(HNM) - Báo chí vừa đưa tin, lượng kiều hối năm 2013 đạt 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, và hiện Việt Nam đã ở vị trí thứ 9 trong số 10 quốc gia có lượng kiều hối nhiều nhất trong năm.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như đất nước vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thì đó thực sự là những thông tin hết sức ấn tượng.

Song, xét trên thực tế những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam, có thể thấy sự gia tăng kiều hối những năm gần đây - trong bối cảnh chung không có nhiều thuận lợi - cũng là điều dễ hiểu. Trước hết, đó là thành quả tất yếu của những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: "Từ khi thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, các chính sách ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con kiều bào". Môi trường đầu tư cũng như chính sách thu hút kiều hối ngày càng hấp dẫn, thông thoáng hơn; tỷ giá và lãi suất ngân hàng được duy trì ở mức ổn định; điều kiện đi lại ngày càng thuận tiện... Một lý do không thể không nhắc đến là tình hình an ninh chính trị ở Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là hết sức ổn định. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa là lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, làm việc đang có xu hướng gia tăng, qua đó đã hình thành những cộng đồng người Việt ở các địa bàn mới như Châu Phi, Châu Á, Trung Đông…, nâng tổng số người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài lên khoảng 500.000 người, phần lớn có thu nhập ổn định. Đáng mừng là kiều hối không chỉ chuyển về cho người thân như trước kia mà ngày càng có nhiều lượng tiền chuyển về với mục đích đầu tư. Thống kê cho thấy có khoảng 70% lượng kiều hối năm 2013 chuyển về nước "chảy" vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 10% vào lĩnh vực bất động sản…

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống ở 103 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Dù ở đâu, làm gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà con kiều bào đều phát huy phẩm chất trí tuệ và truyền thống cần cù, chịu khó của dân tộc để phấn đấu học tập, lao động, tích lũy kinh tế không chỉ nhằm làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn đồng lòng hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp công sức xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh. Thực tế đã cho thấy, những đóng góp về vật chất của kiều bào đã tạo ra nguồn lực vô cùng to lớn, tác động trực tiếp, tích cực tới sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Để đón nhận, đồng thời phát huy ngày càng hiệu quả nguồn lực kiều hối, trước hết các cơ quan chức năng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị nhằm khẳng định một hướng đi đúng của Đảng, Nhà nước, khẳng định kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; đồng thời tiếp tục quan tâm hơn nữa đến nguyện vọng của bà con, tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút kiều bào đầu tư về quê hương, gắn lợi ích của mình với lợi ích của đất nước.

Vì vậy, sẽ là thiếu sót lớn nếu chỉ chú trọng đón nhận nguồn lực vật chất mà bỏ qua nguồn lực trí tuệ của kiều bào. Bởi trong số 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài có khoảng 400.000 trí thức, nhà khoa học tên tuổi, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Và đó chính là "nguồn lực vàng" không thể lãng phí, đòi hỏi chúng ta phải có sự quan tâm thích đáng, với những chính sách thu hút, sử dụng phù hợp, hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, phát triển bền vững.

Hà Anh