Cơ quan chức năng thờ ơ, dân lờ quy định
Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 23/01/2014
Cả làng sản xuất rượu không phép
Chúng tôi đến thôn Chi Nê, xã Trung Hòa (Chương Mỹ) vào những ngày áp Tết Giáp Ngọ. Từ đầu làng đến cuối xóm, đâu đâu cũng ngửi thấy mùi thơm của rượu đang chưng cất, hòa quện vào đó là mùi chua của men rượu. Trong vai người đi đặt rượu đám cưới, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị M. ở xóm Chùa. Bà M cho biết, gia đình có truyền thống SX rượu gạo, bản thân bà đã có thâm niên trên 40 năm trong nghề nấu rượu. Hiện tại, mỗi ngày gia đình bà nấu 30kg gạo (cả gạo nếp và gạo tẻ), sử dụng men ta nên rượu bảo đảm chất lượng. Song, quan sát tại khu vực SX rượu của gia đình bà M, chúng tôi thấy bề bộn, đầy ruồi muỗi. Dụng cụ để SX rượu, ủ men cáu bẩn, kho ủ men đặt sát chuồng lợn. Đáng nói, rượu sau khi chưng cất được chứa vào các can, thùng nhựa, thậm chí cả... săm ô tô, không bảo đảm ATVSTP. Tại nhà ông Đỗ Văn B cũng ở xóm Chùa, thôn Chi Nê, dù khu vực SX rượu (khu vực nấu rượu, ủ men…) có sạch sẽ, gọn gàng hơn nhưng vẫn mất vệ sinh vì được bố trí ngay sát khu chăn nuôi trên 10 con lợn, mùi hôi thối bốc nồng nặc. Ông B và nhiều người làng Chi Nê đều khẳng định rượu họ nấu rất ngon, song từ trước đến nay chưa có cơ quan, đơn vị nào về kiểm tra, đánh giá chất lượng. Rượu của làng chủ yếu bán dựa trên uy tín là chính (?).
Rượu thành phẩm của một hộ dân ở thôn Chi Nê, xã Trung Hòa được để trong can, thùng nhựa và săm ô tô. |
Không chỉ có hộ bà M, hộ ông B, nhiều hộ dân thôn Chi Nê cũng đang SX rượu thủ công, chăn nuôi lợn trong khuôn viên chật chội, không bảo đảm ATVSTP và vệ sinh môi trường. Tìm hiểu được biết, thôn Chi Nê hiện có khoảng 900 hộ thì gần 70% SX rượu thủ công kết hợp chăn nuôi với quy mô bình quân 20kg-30kg gạo/ngày, cá biệt một số hộ SX quy mô lớn 200kg-300kg gạo/ngày. Mỗi ngày, làng sản xuất hàng nghìn lít rượu, chủ yếu để bán buôn tại Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và Hà Nội.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2013, cả nước xảy ra 5 vụ ngộ độc rượu làm 14 người tử vong. Trong số đó có vụ ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội làm 6 người chết ở tỉnh Quảng Ninh dịp cuối năm vừa qua. Đây là vụ ngộ độc khiến nhiều người chết vì rượu nhất từ trước đến nay. |
Rất khó cấp phép
Hiện có gần 100 hộ ở làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) và 160 hộ tại làng Bá Giang, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) cùng đang SX rượu thủ công khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Ông Đỗ Văn Ấu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã chưa có hộ SX rượu nào được cấp phép. Lý do, các hộ SX rượu với quy mô nhỏ, xen kẽ trong khu dân cư, không bảo đảm ATVSTP và vệ sinh môi trường, không đầu tư trang thiết bị để loại bỏ độc tố ra khỏi rượu. Ngoài ra, đến nay các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương chưa có chế tài xử lý đối với các hộ SX rượu khi chưa được cấp phép. Còn tại xã Hồng Hà, ngay sau khi NĐ94 có hiệu lực, xã đã tổ chức tuyên truyền tới đại diện các hộ SX rượu thủ công về chủ trương phải xin cấp giấy phép, nhưng chưa có hộ nào đăng ký.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong việc triển khai cấp phép cho các hộ SX rượu thủ công trên địa bàn, ông Tạ Đăng Tiến, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết: Theo hướng dẫn, các hộ xin cấp phép SX rượu thủ công phải lập 2 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận mã số thuế, giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP… Tuy nhiên, hầu hết các hộ SX rượu thủ công có quy mô nhỏ hoặc SX không thường xuyên, không bảo đảm ATVSTP nên không thể đáp ứng các điều kiện cấp phép.
Để đưa hoạt động SX, kinh doanh rượu thủ công đi vào nền nếp, bảo đảm chất lượng, rất cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng trong việc cấp giấy phép SX rượu thủ công cho các hộ tại các làng có nghề SX rượu truyền thống và các hộ SX rượu đơn lẻ. Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, từ khi có Nghị định số 94/ 2012/CP về sản xuất, kinh doanh rượu đến nay địa phương chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện của các cơ quan chức năng.